Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong hoạt động hòa giải
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
![]() |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Thu Hồng chủ trì tại điểm cầu tỉnh. |
Tại điểm cầu Bắc Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thu Hồng dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban Đảng và Văn phòng Tỉnh ủy; Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh; thường trực và trưởng ban dân vận các huyện ủy, thành ủy...
Phát biểu khai mạc, đồng chí Trương Thị Mai khẳng định: Hoạt động hòa giải đã có từ lâu trong đời sống xã hội. Đây là biện pháp thường được lựa chọn để giải quyết xích mích giữa các cá nhân, gia đình trong cộng đồng dân cư, làm tăng thêm mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm. Dân vận được thực hiện với nhiều cách khác nhau và hoạt động hòa giải ở cơ sở được coi là một bộ phận, một phương thức của công tác dân vận.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, hiện cả nước có hơn 96.600 tổ hòa giải. Các tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải hơn 875 nghìn vụ việc. Trong đó tỷ lệ hòa giải thành đạt 80,6%. Kết quả này có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác dân vận trong hòa giải ở cơ sở. Các địa phương đã quan tâm xây dựng, động viên đội ngũ hòa giải viên có uy tín, kiến thức, kinh nghiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải. Nhiều địa phương đã tổ chức làm điểm các mô hình tổ hòa giải ở cơ sở với các tên gọi như: "Tổ hòa giải điển hình tiên tiến", "Tổ hòa giải 5 tốt", "Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở...
Tại tỉnh Bắc Giang, thực hiện quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, các địa phương trong tỉnh đã tích cực phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã thực hiện việc củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải. Hiện mạng lưới tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã được thành lập ở khắp các khu dân cư.
Toàn tỉnh có 2.460 tổ hòa giải với hơn 17 nghìn hòa giải viên. Mỗi năm, các tổ tiến hành hòa giải khoảng 2 nghìn vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành đạt 82,3%. Để hòa giải thành công, đòi hỏi các hòa giải viên không chỉ am hiểu về kiến thức pháp luật mà còn phải biết dân vận khéo để tạo sự đồng thuận.
Tham luận tại Hội nghị, bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được từ hoạt động hòa giải, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục như: Chất lượng đội ngũ hòa giải viên chưa thực sự đồng đều, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ở một số địa phương chưa có cơ chế để huy động các đối tượng có hiểu biết pháp luật như đội ngũ luật sư, luật gia tham gia vào công tác hòa giải...
Nhiều ý kiến đề xuất, ngoài mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên, các địa phương nên tổ chức các hội thi về tìm hiểu pháp luật, thi hòa giải viên, tuyên truyền viên giỏi... mục đích nhằm tạo điều kiện để các hòa giải viên có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về hoạt động hòa giải, nhất là bảo đảm kinh phí, tăng mức chi cho hòa giải thành. Trong công tác thi đua khen thưởng nên quan tâm biểu dương các hòa giải viên tiêu biểu có thời gian công tác lâu năm; các hòa giải viên hòa giải thành các vụ việc khó, việc tranh chấp kéo dài nhiều năm.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Thành Long nhấn mạnh: Nhu cầu giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải trong xã hội đang có chiều hướng tăng lên, điều này đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới đối với công tác dân vận trong hoạt động hòa giải.
Thời gian tới, Ban Dân vận, MTTQ, ngành Tư pháp và Tòa án các cấp trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được phân công tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để cùng thực hiện tốt hơn nữa công tác hòa giải ở cơ sở.
Ngành Tư pháp tiếp tục triển khai nghiêm túc Luật Hòa giải ở cơ sở, quan tâm củng cố đội ngũ hòa giải viên, từng bước chuyên nghiệp hóa. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò, ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở để từng bước hình thành thói quen sử dụng phương thức này trong giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, qua đó góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương, đơn vị.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc (0)