Giải quyết tranh chấp đất đai ở cơ sở: Chú trọng công tác hòa giải
Thủ tục hòa giải chưa đúng quy định
Năm 2019, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) trả lại 30 đơn, 6 tháng đầu năm 2020 trả lại 20 đơn liên quan đến tranh chấp đất đai do biên bản hòa giải ở cơ sở chưa đúng quy định của pháp luật. Có thể kể đến vụ việc của nguyên đơn Vũ Đình C và bị đơn Đỗ Văn C ở thị trấn Chũ.
![]() |
Hội Luật gia tỉnh tuyên truyền pháp luật về đất đai cho người dân xã Đồng Cốc (Lục Ngạn). |
Khi UBND thị trấn tổ chức hòa giải, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn và các tổ chức xã hội khác không tham gia theo quy định; không có đại diện một số hộ dân cư sinh sống lâu đời biết rõ nguồn gốc, quá trình sử dụng đối với thửa đất đó. Hay như vụ việc của nguyên đơn Vi Văn P và bị đơn Văn S ở xã Biên Sơn tuy hòa giải thành ở cấp cơ sở nhưng địa phương không chuyển lên cấp trên để điều chỉnh nội dung. Sau đó, đương sự tiếp tục khởi kiện ra toà. Khi thụ lý cán bộ không để ý dẫn đến vụ án kéo dài nhiều năm, gây tốn kém thời gian, công sức cho cơ quan nhà nước cũng như đương sự.
Ở hầu hết các huyện, TP, các cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai chưa làm tốt công tác lưu trữ, quản lý hồ sơ, để hồ sơ thất lạc, đứt đoạn thông tin hoặc không cập nhật biến động về thửa đất. Nhiều thông tin về kích thước, số đo, diện tích, hình thù, tài sản, công trình, nhà ở không được thể hiện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi hồ sơ không bảo đảm độ tin cậy, cơ quan quản lý không cung cấp được những thông tin cần thiết hoặc cung cấp thiếu chính xác cho việc giải quyết tranh chấp. Đây cũng là trở ngại lớn trước mắt cho công tác hòa giải.
Theo ông Ngô Quang Dũng, Chánh án TAND huyện Việt Yên (Bắc Giang), những sai sót khác thường gặp trong công tác hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã trên địa bàn huyện như: Có thời điểm, công chức địa chính hoặc tư pháp cấp xã chưa thẩm tra, xác minh, tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp; chưa thu thập đủ giấy tờ, tài liệu liên quan do các bên cung cấp.
Một bên tranh chấp thường vắng mặt nhưng tổ hòa giải không lập biên bản về sự vắng mặt của họ cũng như hồ sơ hòa giải không thể hiện được biên bản giao giấy mời cho đương sự vắng mặt. Ngoài ra, biên bản hòa giải không thể hiện đầy đủ, rõ ràng ý kiến của người yêu cầu giải quyết.
Công chức địa chính bỏ qua bước vẽ sơ đồ phác họa phần đất tranh chấp giữa các bên. Mặt khác, chính sách pháp luật về đất đai thay đổi liên tục, gây khó khăn cho cán bộ, công chức phụ trách. Trình độ, hiểu biết, ý thức chấp hành, tôn trọng pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế.
Bồi dưỡng kỹ năng, tăng cường tuyên truyền
Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có gần 2.500 tổ hòa giải với khoảng 17 nghìn hòa giải viên. Đây là lực lượng nòng cốt trong thực hiện việc hòa giải tại cơ sở, nhất là những mâu thuẫn về đất đai. Nhằm hoàn thiện, nâng cao hơn nữa các kỹ năng hòa giải cho đội ngũ này, hằng năm, UBND các huyện, TP, Sở Tư pháp, phòng tư pháp đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, tăng cường nghiệp vụ cho đội ngũ này. Mới đây, UBND huyện Lục Ngạn tổ chức tập huấn kỹ năng cho hơn 300 cán bộ, công chức cấp xã và hòa giải viên trên địa bàn.
Anh Vi Văn Đạo, công chức địa chính UBND xã Biên Sơn cho hay: “Qua tập huấn, chúng tôi có dịp, cơ hội để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn hòa giải tranh chấp đất đai, nhất là kinh nghiệm trong tìm hiểu nguyên nhân, xác minh tại thực địa, thống nhất quan điểm giữa các thành viên trong tổ hòa giải cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các bên. Qua đó nhận thấy khi gặp gỡ nguyên đơn, bị đơn cần linh hoạt giải quyết giữa lý và tình để hòa giải thành, giữ tình láng giềng, họ hàng, thân tộc. Điều quan trọng là nắm vững các quy định của pháp luật về hòa giải tranh chấp đất đai tại cấp xã để giải quyết”.
Vai trò của tổ hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai là rất quan trọng. Tuy nhiên, có lúc, có nơi, tổ hòa giải chỉ hòa giải qua loa, chiếu lệ rồi chuyển hồ sơ đến tòa án.
Do đó, cần có sự quan tâm hơn của các cấp, ngành thông qua bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho đội ngũ này yên tâm làm việc. Các cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai nêu cao trách nhiệm trong quản lý, lưu trữ hồ sơ. Qua đó góp phần hạn chế tranh chấp đất đai ở cơ sở.
Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)