Giải quyết các vụ việc về dân sự, hôn nhân gia đình: Tăng hòa giải, giảm án tồn đọng
![]() |
Thư ký TAND huyện Việt Yên hướng dẫn đương sự kê khai các thủ tục tại Tòa. |
Mỗi năm, TAND huyện Tân Yên xét xử hơn 600 vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại. Thẩm phán Nguyễn Ánh Dương, Phó Chánh án cho biết: "Vướng mắc thường gặp khi giải quyết án dân sự là một số đương sự chưa hiểu biết đầy đủ các quy định của pháp luật nên không hợp tác, gây khó khăn dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết. Do vậy, trước mỗi vụ án, thẩm phán phải nghiên cứu, xây dựng kế hoạch xét xử nghiêm túc, chặt chẽ theo các bước như: Triệu tập, niêm yết văn bản tố tụng, giải thích quyền lợi và nghĩa vụ liên quan của nguyên đơn, bị đơn. Đồng thời xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, định giá tài sản. Điều này khiến cho việc hoàn thiện hồ sơ phải mất rất nhiều công đoạn, thủ tục, thời gian nhất là đối với án sơ thẩm”.
Đơn cử như vụ việc giữa đương sự là Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh huyện Tân Yên với bị đơn là bà Nguyễn Thị X (SN 1974) ở phố Mới, thị trấn Cao Thượng, TAND huyện thụ lý từ năm 2015. Theo quy định, bà X là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của người chồng nên phải trả cho ngân hàng số tiền nợ hơn 3,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà một mực cho rằng chồng bà đã mất nên bản thân không có trách nhiệm phải trả, nhiều lần chống đối, không hợp tác với cơ quan chức năng, có thời gian bỏ trốn khỏi địa phương. Thụ lý vụ án, thẩm phán phải trực tiếp đi tìm hiểu, xác minh cặn kẽ, nhiều lần đến thuyết phục người thân của bị đơn, vận động bà X quay về nơi cư trú để thực hiện nghĩa vụ của mình. Sau một thời gian dài, đến cuối năm 2019 vụ án được giải quyết dứt điểm.
Là một trong những địa phương có lượng án dân sự, hôn nhân gia đình lớn (gần 800 vụ mỗi năm), TAND huyện Việt Yên luôn yêu cầu trong quá trình xét xử, các thẩm phán chú trọng công tác hòa giải để bảo đảm quyền quyết định, tự định đoạt của đương sự, hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị. Ví như án về hôn nhân gia đình, năm qua, đơn vị có 65/395 vụ người đứng đơn tự nguyện rút đơn về đoàn tụ thông qua hòa giải. Được biết, để bảo đảm tiến độ giải quyết án, Chi bộ TAND huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo, chỉ đạo xét xử án dân sự, hôn nhân gia đình. Căn cứ chức trách, nhiệm vụ được giao, từng đảng viên là thẩm phán phải chủ động xây dựng kế hoạch giải quyết án trong từng tháng, định kỳ hằng tuần báo cáo lãnh đạo đơn vị. Nhờ đó tỷ lệ giải quyết án dân sự hằng năm ở đơn vị đạt từ 95% trở lên.
Năm qua, TAND hai cấp thụ lý khoảng 6.200 vụ việc về dân sự, hôn nhân gia đình, tăng 163 vụ việc so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó đã giải quyết 5.028 vụ, đạt hơn 81%. |
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các vụ án dân sự, TAND tỉnh chỉ đạo TAND cấp huyện trong quá trình giải quyết phải tuân thủ, xem xét kỹ lưỡng trình tự thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Hằng năm, ngoài duy trì kiểm tra định kỳ, TAND tỉnh tổ chức kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị tòa cấp huyện. Nội dung kiểm tra về trình tự tố tụng, thời gian giải quyết án từ khâu tiếp nhận đơn đến khi kết thúc vụ án. Ngoài ra, yêu cầu đội ngũ thẩm phán phải không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt trong đó có kỹ năng thu thập, đánh giá chứng cứ. Đối với những vụ phức tạp, đa số các đơn vị giao cho những thẩm phán có nhiều kinh nghiệm giải quyết nhằm bảo đảm việc xét xử đạt chất lượng. Trước yêu cầu cải cách tư pháp, TAND hai cấp thường xuyên duy trì có hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến và camera giám sát phiên tòa trong tổ chức tập huấn nghiệp vụ; trao đổi rút kinh nghiệm xét xử nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, quá trình giải quyết các vụ việc dân sự hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn. Trong đó, yếu tố khách quan là số lượng án tăng theo từng năm và ngày càng phức tạp; một số vụ án kéo dài chưa giải quyết với lý do đương sự không hợp tác (không cho đo đạc, định giá, cố tình vắng mặt...).
Ông Thân Văn Quang, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Thời gian tới, TAND hai cấp của tỉnh tiếp tục quán triệt đến tất cả các thẩm phán thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, đặc biệt là nghĩa vụ chứng minh, xác định sự thật khách quan của vụ việc, các vấn đề pháp lý tranh chấp cần giải quyết trong vụ án. Mặt khác, làm tốt công tác hòa giải trong dân sự và đối thoại trong giải quyết các vụ việc hành chính. Quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ thẩm phán, thư ký, hạn chế đến mức thấp nhất việc án tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự.
Ý kiến bạn đọc (0)