Quan tâm hòa giải, giảm áp lực xét xử
Tháng 1-2020, TAND TP Bắc Giang thụ lý đơn ly hôn của chị Đặng Thị T (chồng là anh Đỗ Trọng L) ở Tổ dân phố Tiền Giang, phường Lê Lợi. Vì luôn bất đồng quan điểm sống nên thời gian đầu, quá trình hòa giải giữa đôi bên gặp khó khăn.
Thẩm phán khi giải quyết vụ việc đã phải dành nhiều thời gian lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cả hai, từ đó tích cực làm cầu nối giúp vợ chồng anh chị giảm căng thẳng, thống nhất tự phân chia tài sản chung riêng. Vụ việc hòa giải thành, không có đương sự nào thay đổi ý kiến, cuối tháng 3 vừa qua, TAND TP đã ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà không phải đưa ra xét xử. Cả hai cùng có trách nhiệm nuôi dạy các con chung khôn lớn.
Hòa giải thành trong tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình đóng vai trò quan trọng giúp giải quyết tranh chấp phát sinh trong đời sống, hàn gắn những rạn nứt, tạo sự đồng thuận giữa các bên. Vì lẽ đó, tòa án không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và Nhà nước, đồng thời hạn chế thấp nhất việc kháng cáo, kháng nghị, rút ngắn thời gian giải quyết. Vụ việc tranh chấp nhà và đất giữa hai cha con ông Lê Văn P và Lê Hữu S ở xã Tân Tiến là một ví dụ.
Năm qua, TAND TP Bắc Giang đã hòa giải thành 592/806 vụ án tranh chấp, trong đó có 329 vụ dân sự; 263 vụ hôn nhân gia đình. Qua đó giảm áp lực xét xử tại tòa. |
Tháng 6-2019, TAND TP tiếp nhận đơn khiếu kiện của ông P yêu cầu con trai mình là S phải trả lại căn nhà và đất tại thửa kế bên mà ông đã cho mượn trước đó. Bởi khi con trai lấy vợ, ông có nói miệng (không có giấy tờ chứng minh) là chia cho S một căn nhà và đất để làm ăn. Về mặt pháp lý thì các tài sản trên vẫn là của ông P.
Do mâu thuẫn gia đình nên trong lúc tức giận ông P đã làm đơn kiện con để đòi lại đất. Khi TAND mời lên làm việc, hai bên được thẩm phán giải thích về mặt pháp lý cũng như đạo lý trong gia đình. Chỉ hai ngày sau khi hòa giải, ông P đã tự nguyện đến tòa xin rút đơn kiện.
Mỗi năm, TAND TP Bắc Giang tiếp nhận hơn 1,1 nghìn hồ sơ án dân sự, hôn nhân gia đình. Từ thực tiễn công tác giải quyết, xét xử các vụ việc, đơn vị chú trọng khâu hòa giải giữa nguyên đơn và bị đơn. Quá trình hòa giải, thẩm phán quan tâm dành thời gian lắng nghe các bên, giải thích vụ việc tranh chấp có lý, có tình trên cơ sở các quy định của pháp luật. Mục đích để các bên đương sự tự suy nghĩ, tự thương lượng, thỏa thuận, làm cho các bên thấy rõ lợi ích của việc hòa giải được với nhau mà không cần xét xử.
Theo bà Hoàng Thị Hải Hường, Phó Chánh án TAND TP, những vướng mắc thường gặp khi giải quyết án dân sự chủ yếu do đương sự chưa hiểu đầy đủ các quy định của pháp luật nên không hợp tác, gây khó khăn dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết. Ngoài ra, sự phối hợp giữa cơ quan tòa án với các đơn vị cung cấp chứng cứ hoặc cử người tham gia tố tụng đôi lúc chưa kịp thời.
Khắc phục hạn chế này, trước mỗi vụ án, các thẩm phán phải có trách nhiệm làm tốt khâu xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, định giá tài sản giữa các bên để khi hòa giải làm căn cứ giải thích cho nguyên đơn, bị đơn nắm rõ quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Nhờ làm tốt công tác hòa giải đã góp phần giảm đáng kể số vụ việc phải đưa ra xét xử. Năm qua, đơn vị đã hòa giải thành 592/806 vụ án tranh chấp, đạt 73,4%. Trong đó có 329 vụ tranh chấp dân sự; 263 vụ án hôn nhân gia đình được đương sự rút đơn khởi kiện để vợ chồng đoàn tụ hoặc tự thỏa thuận mà không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Bám sát phương châm "Xét xử tốt các loại án, nhưng không phải xét xử còn tốt hơn", thời gian tới, TAND TP Bắc Giang tiếp tục yêu cầu các thẩm phán thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ. Phấn đấu số lượng vụ án dân sự được hòa giải thành đạt từ 70% trở lên; các quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Tuệ An
Ý kiến bạn đọc (0)