Tháo gỡ khó khăn, nâng số người cai nghiện tự nguyện
Đổi mới công tác cai nghiện
Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 1.678/2.359 (hơn 70%) người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được điều trị nghiện bằng các hình thức phù hợp. Trong đó, gần 50% người đang điều trị bằng thuốc thay thế methadone tại cộng đồng, hơn 6% người cai nghiện tập trung tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, số còn lại được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
![]() |
Người nghiện được học nghề, tạo cơ hội việc làm sau khi kết thúc thời gian điều trị tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. |
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, nhất là tình trạng giới trẻ tụ tập đông người, sử dụng trái phép chất ma túy, ma túy tổng hợp. Năm 2019, lực lượng công an trong tỉnh đã phát hiện 62 vụ, 762 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy tại các quán karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, quán trọ, tăng 53 vụ, 639 đối tượng so với năm 2018.
Cụ thể hóa Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020”, năm 2014, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 378/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Sau 5 năm triển khai Đề án, công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan.
10 điểm TVCSHTĐT nghiện tại cộng đồng đã tổ chức cắt cơn giải độc cho gần 100 người, duy trì sinh hoạt nhóm cho 150 người, tổ chức tư vấn cho hơn 2 nghìn người nghiện. Từ năm 2014 đến nay, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh tiếp nhận, quản lý, tổ chức điều trị cho gần 1 nghìn lượt người; duy trì hoạt động dạy nghề, lao động cho học viên giúp tăng khả năng phục hồi sức khỏe, tạo tâm lý thoải mái để họ sớm hòa nhập cộng đồng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế dự phòng các huyện Lục Ngạn, Hiệp Hòa, Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên, Lạng Giang, Yên Dũng và TP Bắc Giang đang có gần 1,3 nghìn người đến uống Methadone hằng ngày.
Tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Đề án vẫn gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu nâng tỷ lệ người cai nghiện tự nguyện khó hoàn thành bởi vẫn có người nghiện ma túy tham gia điều trị bằng thuốc thay thế Methadone tự bỏ trị liệu hoặc vẫn sử dụng các loại ma túy khác; công tác cai nghiện tại cộng đồng còn mang tính hình thức.
Ngoài ra, thành viên làm việc ở các điểm tư vấn tại cộng đồng chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc tham gia công tác điều trị nghiện ma túy còn hạn chế. Người nghiện ma túy thường có tâm lý không ổn định, tự ti do đó họ chưa chủ động, tích cực trong việc tái hòa nhập cộng đồng.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, nhất là tình trạng giới trẻ tụ tập đông người, sử dụng trái phép chất ma túy, ma túy tổng hợp. |
Thực tế hiện nay, số người đến cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh chiếm tỷ lệ rất thấp. Lý do là hầu hết các gia đình có người nghiện đều khó khăn về kinh tế, không thể bảo đảm được mức đóng góp chi phí trong thời gian cho con em mình cai nghiện.
Mặt khác, người nghiện ma túy tổng hợp vào cai nghiện tập trung tại cơ sở khiến tính chất, môi trường làm việc, sinh hoạt của cán bộ, nhân viên công tác tại đây ngày càng phức tạp, thêm áp lực.
Để tạo cơ hội, điều kiện tốt hơn cho người nghiện ma túy được điều trị bệnh, đồng thời động viên, thu hút cán bộ yên tâm công tác, cuối năm 2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 42/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết số 47/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 quy định chế độ hỗ trợ và các khoản đóng góp đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện trên địa bàn tỉnh; chế độ trợ cấp đặc thù cho công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh.
Theo đó, từ ngày 1/1/2020, người nghiện ma túy có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh tham gia cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ toàn bộ kinh phí với thời gian hỗ trợ tối đa là 6 tháng/năm. Cán bộ, công chức, viên chức người lao động làm việc tại đơn vị này, ngoài hưởng lương theo ngạch, bậc, các loại phụ cấp độc hại, nguy hiểm theo nghề, còn được hưởng trợ cấp đặc thù bằng 1 mức lương cơ sở/người/tháng.
Để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2020 nâng tỷ lệ người nghiện được điều trị trên số người nghiện có hồ sơ quản lý là 90% và 70% người nghiện hòa nhập cộng đồng, có việc làm, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh tiếp tục tham mưu với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy, nhất là tác hại của việc sử dụng ma túy tổng hợp, chất hướng thần phù hợp với từng nhóm đối tượng; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy các cấp.
Triển khai nhân rộng các mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, tạo điều kiện để người nghiện, gia đình có người nghiện chủ động cai nghiện tự nguyện. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ tái nghiện, giảm tác hại do nghiện ma túy gây ra, bảo đảm an sinh xã hội và giữ vững trật tự an toàn xã hội.
Nguyễn Văn Khoái,
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Bắc Giang
Ý kiến bạn đọc (0)