Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Giang: Cầu nối giúp học viên hòa nhập cộng đồng
Tệ nạn ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, gia tăng về số lượng người nghiện cũng như tính chất, mức độ nguy hiểm. Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 2.247 người nghiện và nghi nghiện ma túy (tăng 95 người so với năm trước).
Không chỉ nghiện ma túy, giới trẻ còn “dính” vào ma túy tổng hợp, ma túy đá và các chất gây nghiện mới gây ảo giác cực mạnh khiến công tác cai nghiện tự nguyện cũng như bắt buộc tại cơ sở trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, thành phần học viên phức tạp, nhiều người có tiền án, tiền sự, cai rồi lại tái nghiện, vào ra liên tục.
![]() |
Học viên may túi siêu thị tại cơ sở 1, xã Song Mai (TP Bắc Giang). |
Tính đến thời điểm này, tại hai cơ sở là xã Song Mai (TP Bắc Giang) và Ngọc Châu (Tân Yên) đang điều trị cho 153 học viên (chủ yếu bị cưỡng chế). Ngoài ra còn hơn 120 người điều trị thường xuyên bằng uống Methadone.
Để nâng cao chất lượng điều trị, giáo dục quản lý, sau khi tiếp nhận, học viên được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe ban đầu để xác định mức độ nghiện, lập hồ sơ bệnh án điều trị theo phác đồ An thần kinh do Bộ Y tế ban hành. Trong giai đoạn cắt cơn, cán bộ y tế trực 24/24 giờ theo dõi tình hình sức khỏe học viên; cho uống thuốc.
Trong thời gian này, học viên được tư vấn, hỗ trợ tâm lý, điều trị cắt cơn (kéo dài từ 15 đến 20 ngày, tùy thể trạng từng người và mức độ nghiện). Sau cắt cơn, học viên được đưa xuống nơi ở để học tập nội quy, quy chế, bố trí vào các tổ, đội với thời gian biểu cụ thể gồm: Học nghề, lao động trị liệu, giáo dục tuyên truyền, văn nghệ thể thao.
Nhằm hỗ trợ người sau cai nghiện tăng cơ hội tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, hàng năm căn cứ vào nhu cầu, năng lực, sở trường của người cai nghiện, cơ sở đã tổ chức học nghề tại chỗ cho học viên hoặc liên kết với các cơ sở dạy nghề ở các địa phương.
Hiện cơ sở đã và đang tổ chức cho học viên lao động sản xuất bằng các nghề như: May túi siêu thị, làm mi mắt giả, làm điếu, tiện bi gỗ gia công, chổi xuất khẩu, trồng trọt, chăn nuôi.
![]() |
Một buổi học về "Giá trị cuộc sống" được tổ chức cho học viên tại cơ sở 2, xã Ngọc Châu (Tân Yên). |
Với ngành nghề đa dạng không chỉ giúp học viên có nhiều lựa chọn công việc mà còn không có thời gian suy nghĩ, xóa dần ám ảnh về ma túy, làm cho cơ khớp hoạt động nhịp nhàng, tránh bị teo cơ, bệnh nhiễm trùng cơ hội do ngừng sử dụng chất gây nghiện; đồng thời gia tăng thu nhập đưa vào cải thiện bữa ăn hàng ngày và dịp lễ, Tết, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đua khen thưởng cho học viên.
Công tác quản lý học viên được chú trọng, nhiều năm qua Cơ sở không để xảy ra mất an ninh trật tự, không có học viên đánh nhau, bỏ trốn; không có trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh.
Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị, học viên được phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật đối với công tác cai nghiện và quản lý sau cai; tư vấn kỹ năng hòa nhập cộng đồng; gặp thân nhân theo quy định; được tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao do đơn vị tổ chức; được tư vấn, nghe tuyên truyền phòng, chống ma túy bằng nhiều hình thức như: Giáo dục phục hồi hành vi nhân cách, các bài giảng về giá trị cuộc sống diễn ra vào thứ 3 và thứ 6 hằng tuần theo chuyên đề do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội biên soạn.
Để động viên học viên nỗ lực cai nghiện, Cơ sở còn chú trọng công tác khen thưởng cho các tổ đội và học viên; thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho học viên. Những hoạt động đó đã tạo được lòng tin và tâm lý an tâm cho học viên và gia đình, tạo bầu không khí vui vẻ, thoải mái để học viên yên tâm chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, sớm trở về cộng đồng.
Do thực hiện tốt công tác chăm sóc, điều trị nên phần lớn học viên sau thời gian cắt cơn đều tăng cân, sức khỏe dần bình phục. Kết thúc thời gian điều trị, lao động trị đều bảo đảm yêu cầu và được cho về địa phương.
Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)