Đổi mới công tác cai nghiện: Tạo cơ hội hòa nhập từ nhiều hình thức hỗ trợ
Hỗ trợ cai tại cộng đồng
Năm 2014, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 378/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung cao cho công tác tuyên truyền, phát huy vai trò của các sở, ngành chức năng và UBND các cấp.
![]() |
Nguyễn Văn Khoái, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH tỉnh. |
Từ khi triển khai Đề án đến nay, công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đã thu được nhiều kết quả khả quan, nhất là việc chuyển dần sang hình thức cai tự nguyện tại cộng đồng và gia đình, tạo cơ hội cho người nghiện sớm hòa nhập. Để thực hiện phương thức này có hiệu quả, Sở LĐTBXH chỉ đạo xây dựng 10 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị (TVCSHTĐT) nghiện tại cộng đồng đặt tại trạm y tế các huyện, thành phố.
Tại đây, người nghiện ma túy được tiếp cận các dịch vụ điều trị cai nghiện thích hợp; tham gia sinh hoạt nhóm, nâng cao nhận thức về tác hại ma túy để quyết tâm từ bỏ. Việc tư vấn, xét nghiệm, điều trị cắt cơn đều được miễn phí toàn bộ. Đến nay, đã có 50 người được cắt cơn, giải độc; duy trì sinh hoạt nhóm 87 người, tổ chức tư vấn cho hơn 2 nghìn người nghiện.
Một trong những yếu tố góp phần quyết định sự thành công của Đề án là Bắc Giang chủ động chuyển đổi Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội thành Trung tâm Điều trị nghiện tự nguyện, nay là Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh.
Với mô hình hoạt động mới, cơ sở thực hiện chức năng điều trị nghiện ma túy cho người nghiện chấp hành quyết định xử lý hành chính đưa vào cai nghiện bắt buộc của tòa án nhân dân; cai nghiện tự nguyện, quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ và điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone.
Từ năm 2014 - 2018, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh đã tiếp nhận 861 lượt người đến điều trị (448 người nội trú; 413 người ngoại trú). Bệnh viện Tâm thần tỉnh tổ chức tiếp nhận 123 người nghiện ma túy tổng hợp đến chữa trị.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế dự phòng các huyện Lục Ngạn, Hiệp Hòa, Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên, Lạng Giang, Yên Dũng và TP Bắc Giang tổ chức cho gần 1,2 nghìn người đến uống Methadone hằng ngày; duy trì hoạt động dạy nghề, lao động cho học viên giúp tăng khả năng phục hồi sức khỏe, tạo tâm lý thoải mái để họ sớm hòa nhập cộng đồng
Nỗ lực kéo giảm tỷ lệ tái nghiện
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Đề án còn gặp nhiều khó khăn như: Quy định tại các văn bản làm căn cứ để xác định tình trạng nghiện còn nhiều bất cập. Việc xác định người nghiện ma tuý chỉ được thực hiện khi họ tự giác khai báo nhưng thực tế đối tượng này thường che giấu nên rất khó chẩn đoán. Nhiều trường hợp người nghiện do gia đình quản lý bỏ trốn khỏi địa phương trước khi có quyết định của tòa án.
Toàn tỉnh có 203/230 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy. Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý hơn 2,2 nghìn người; số nghi nghiện gần 2 nghìn người. Các địa phương có từ 200 người nghiện trở lên gồm: Lạng Giang, Hiệp Hoà, Tân Yên, Lục Ngạn và TP Bắc Giang. |
Ngoài ra, thành viên làm việc ở các điểm tư vấn tại cộng đồng chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc tham gia công tác điều trị nghiện ma túy còn hạn chế. Người nghiện ma túy thường có tâm lý không ổn định, tự ti, chưa chủ động, tích cực trong việc tái hòa nhập cộng đồng.
Để hoàn thành mục tiêu của Đề án đến năm 2020 là nâng tỷ lệ người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý là 90%; 70% người nghiện hòa nhập cộng đồng, có việc làm, ngành LĐTBXH tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.
Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động, cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng, tư vấn tâm lý cho người nghiện. Đồng thời triển khai các biện pháp giảm tác hại của việc sử dụng ma túy và dự phòng lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Duy trì hiệu quả và nhân rộng mô hình Điểm TVCSHTĐT nghiện tại cộng đồng. Nghiên cứu bổ sung chức năng, đầu tư nguồn lực để mô hình trở thành điểm cấp phát Methadone thường xuyên cho người nghiện. Các ngành chức năng, tổ chức đoàn thể địa phương tăng cường kết nối với doanh nghiệp, tạo cơ hội việc làm ổn định cho người nghiện sau cai để họ từng bước ổn định cuộc sống, giảm tối đa nguy cơ tái nghiện.
Các cơ sở, điểm tư vấn cần tranh thủ các nguồn tài trợ tài chính, giúp đỡ về chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm, sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ huy động được của các tổ chức quốc tế. Tiếp tục triển khai các dự án đang được hỗ trợ, phát triển các dự án mới trong lĩnh vực cai nghiện và hỗ trợ quản lý sau cai tại cộng đồng, điều trị cai nghiện giảm tác hại lây nhiễm HIV/AIDS.
Nguyễn Văn Khoái
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH tỉnh
Ý kiến bạn đọc (0)