Cai nghiện ma túy bắt buộc: Tăng hiệu quả nhờ sự phối hợp
Kết quả bước đầu
Theo số liệu của Công an tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 2,1 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng hơn 130 người so với năm 2016. Đã có 200/230 xã, phường, thị trấn của 10/10 huyện, TP có người nghiện ma túy. Các địa phương có số người nghiện cao (hơn 200 người) là: TP Bắc Giang, Hiệp Hòa, Tân Yên, Lục Ngạn, Lạng Giang. Từ năm 2014, quá trình triển khai Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020” (theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg, ngày 27-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ) đã thay đổi mục tiêu là hỗ trợ người nghiện cai thành công nhờ gia đình, cộng đồng.
![]() |
Học viên đến cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh được học nghề, tạo cơ hội việc làm để sớm hòa nhập cộng đồng. |
Theo ông Đỗ Huy Minh, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), việc đưa người nghiện đi cai bắt buộc tại cơ sở tập trung vẫn luôn được đơn vị quan tâm, chủ động phối hợp với ngành liên quan, các địa phương triển khai. “Theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP thì cần quá nhiều thủ tục, không phù hợp thực tế nên hai năm đầu triển khai, toàn tỉnh không bắt buộc được trường hợp nào vào cơ sở cai nghiện”, ông Minh nói.
Trước những vướng mắc trên, từ năm 2016, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, huyện, TP phối hợp chặt chẽ để dần tháo gỡ khó khăn; giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương, đơn vị và đưa kết quả thực hiện nhiệm vụ này là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm. Đặc biệt, ngày 9-9-2016, Chính phủ ban hành Nghị định 136/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 221. Theo đó, đối tượng thuộc diện cai nghiện bắt buộc được mở rộng thêm với những trường hợp đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện.
Tại các địa phương đã có những cách làm sáng tạo, giải pháp quyết liệt nhằm đạt hiệu quả tối đa. Như huyện Lục Ngạn, địa phương có số người nghiện cao thứ hai toàn tỉnh với 346 đối tượng (chỉ sau TP Bắc Giang 407 người), tại các địa bàn trọng điểm, nguy cơ phát sinh tệ nạn ma túy, Công an huyện chỉ đạo lực lượng công an xã, thị trấn làm nòng cốt, xây dựng các tổ tự quản trong nhân dân, thành viên là đại diện hội, đoàn thể.
Mỗi tổ sẽ phân công thực hiện tuần tra vào những giờ cao điểm, kịp thời phát hiện đối tượng khả nghi; treo các biển cảnh báo cấm tiêm chích để răn đe; đẩy mạnh tuyên truyền đến các gia đình. Trung tá Trần Văn Lưu, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an huyện cho biết: "Năm 2014, 2015 lực lượng chức năng không lập được hồ sơ nào đưa đối tượng đi cai tập trung. Từ năm 2016, trung bình mỗi năm, huyện áp dụng các biện pháp đưa được 10 trường hợp đi cai nghiện bắt buộc”.
Rà soát kỹ để phòng ngừa
Trao đổi với ông Đào Hồng Song, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH được biết, lộ trình của Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020” hướng tới tăng dần điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm số cai tại cơ sở tập trung; mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ cai bắt buộc chỉ chiếm 6% tổng số người nghiện.
Tuy nhiên, tình hình người nghiện ma túy phạm tội có chiều hướng gia tăng, nhất là nhiều đối tượng mất kiểm soát hành vi, gây rối sau khi sử dụng các loại ma túy tổng hợp. Về tâm lý, người nghiện hầu hết không muốn đi cai nên họ luôn tìm mọi cách để trốn tránh. Nếu không được điều trị thường xuyên, sử dụng đồng bộ các biện pháp về y tế, tâm lý thì sẽ không bao giờ họ có cơ hội cai nghiện thành công. Vì thế, việc lập hồ sơ, đưa người nghiện đi cai bắt buộc vẫn cần được quan tâm, triển khai đồng bộ.
Từ đầu năm đến nay, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh đã tiếp nhận, tổ chức cai nghiện cho 155 người, trong đó có 146 đối tượng thuộc diện bắt buộc, tăng 40 người so với cùng kỳ năm 2017. |
Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi chờ thêm những điều chỉnh phù hợp về quy định, thủ tục lập hồ sơ đưa người đi cai nghiện bắt buộc, các ngành, địa phương tập trung rà soát kỹ, giám sát chặt chẽ từng đối tượng nghiện, sau cai nghiện trên địa bàn. Thiếu tá Đỗ Thế Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Bắc Giang cho biết: “Kinh nghiệm của chúng tôi là thường xuyên thống kê xác định các đối tượng có dấu hiệu nghi vấn, liên quan đến tệ nạn ma túy. Từ đó, lập danh sách, cử cán bộ vững nghiệp vụ thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan. Khi đã có đủ căn cứ về hành vi vi phạm sẽ lập hồ sơ, kịp thời đưa đi cai nghiện bắt buộc, hạn chế tối đa việc gây mất trật tự xã hội”.
Thời gian tới, ngành LĐTBXH tiếp tục cùng các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, đông học sinh, sinh viên, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thay đổi nhận thức của người nghiện, gia đình, cộng đồng; duy trì hiệu quả và nhân rộng mô hình Điểm Tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng.
“Đặc biệt, tăng cường kết nối doanh nghiệp, tạo cơ hội việc làm ổn định cho người nghiện sau cai. Bởi hoạt động cai nghiện ma túy chỉ được đánh giá là hiệu quả khi tỷ lệ tái nghiện giảm dần, trong khi việc làm là yếu tố quyết định”, ông Song nhấn mạnh.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)