Công tác hòa giải ở cơ sở: Kết nối tình cảm, hóa giải mâu thuẫn
Coi trọng chữ tình
![]() |
Các thành viên trong tổ hòa giải thôn Ruồng, xã Thượng Lan (Việt Yên) được hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải |
Thông tin từ Phòng Tư pháp huyện Tân Yên (Bắc Giang), 13 tổ hòa giải ở xã Việt Lập đều hoạt động hiệu quả, góp phần hàn gắn những xích mích, mâu thuẩn nhỏ trong cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư vượt cấp. Có được kết quả nổi bật đó là nhờ Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải, giai đoạn 2019-2021 và những năm tiếp theo” của ông Nguyễn Ngọc Tuyết, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã.
Bên cạnh phát huy vai trò bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng các ban, ngành, đoàn thể trong thôn, Đề án đặc biệt coi trọng những người cao tuổi có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Năm 2020, xã Việt Lập bổ sung 44 người cao tuổi có uy tín vào các tổ hòa giải, nâng tổng số hòa giải viên là 112 người.
“Được lời như cởi tấm lòng, bên cạnh cái lý, chúng tôi luôn coi trọng chữ tình, dùng uy tín, kinh nghiệm sống của mình để xóa bỏ các mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh. Thực tế, nhiều vụ việc đã từ to hóa nhỏ, từ nhỏ hóa không”, ông Tuyết nói.
Nét mặt rạng rỡ, ông Ngô Xuân Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, Tổ phó tổ hòa giải thôn Lý kể về những xích mích được tổ hòa giải hàn gắn. Điển hình là mâu thuẫn kéo dài hơn 25 năm giữa bà V với chính quyền địa phương liên quan đến đất đai.
Sau khi tổ hòa giải được kiện toàn, ông Hiền cùng một số thành viên cao tuổi trực tiếp gặp gỡ bà V để nắm bắt tâm tư, nhẹ nhàng giải thích các quy định của pháp luật. “Mưa dầm thấm lâu”, đầu năm 2020, bà V đã rút toàn bộ đơn khởi kiện. Từ chỗ tính toán thiệt hơn từng mét đất, vừa qua gia đình bà đã hiến gần 300m2 để địa phương mở rộng đường. Được biết, năm 2020, Phòng Tư pháp huyện đã chọn xã Việt Lập thực hiện điểm về công tác hòa giải ở cơ sở.
Tại Việt Yên, ba xã Hương Mai, Thượng Lan và Tự Lạn được Phòng Tư pháp huyện lựa chọn thực hiện điểm công tác hòa giải ở cơ sở. Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, số lượng tổ hòa giải trong thôn giảm, như ở xã Tự Lạn, từ 14 tổ đến nay còn 5 tổ. Khó khăn ở chỗ địa bàn rộng, dân cư đông hơn, mỗi hộ lại có nếp sống, sinh hoạt riêng.
Để tổ hòa giải hoạt động hiệu quả, các tổ đã bố trí, kiện toàn lại theo hướng mỗi thôn cũ đều có thành viên tham gia, bổ sung thêm người cao tuổi, công an viên, thôn đội trưởng. Hiện xã có 51 hòa giải viên, tăng 18 người so với năm 2019. Tuy nhiên, không phải vụ việc nào các thành viên cũng tham gia, tùy theo tính chất vụ việc, tuổi tác, tính cách của đối tượng, hoàn cảnh mà tổ cắt cử một hoặc một số hòa giải viên gặp gỡ nắm tình hình, xoa dịu mâu thuẫn. Cách làm hay ở các xã làm điểm đã được Phòng Tư pháp đánh giá cao, biểu dương và nhân rộng ở nhiều địa bàn khác trong tỉnh.
Yếu ở đâu bồi dưỡng đó
Nhiều tổ hòa giải hoạt động bài bản, hiệu quả nhưng thực tế chất lượng công tác hòa giải trên địa bàn chưa đồng đều, một số nơi hoạt động hình thức. Nguyên nhân do chưa có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương; kinh phí chi cho hoạt động này còn khó khăn. Một số hòa giải viên chưa nắm chắc kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải hạn chế.
Hiện toàn tỉnh có hơn 2 nghìn tổ hòa giải với hơn 17 nghìn hòa giải viên. Nhờ sự quan tâm vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị; tinh thần trách nhiệm cao của các hòa giải viên nên số vụ việc phải hòa giải mỗi năm đều có xu hướng giảm, tỷ lệ hòa giải thành tăng cao (gần 87%). Qua đó giúp làng xóm thuận hòa, đoàn kết, tình hình an ninh trật tự ổn định. |
Hiện toàn tỉnh có hơn 2 nghìn tổ hòa giải với hơn 17 nghìn hòa giải viên. Để đội ngũ này hoạt động hiệu quả, hằng năm, Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp các huyện, TP đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên. Đây là một trong số những cách làm hay góp phần thực hiện hiệu quả đề án của UBND tỉnh về “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”.
Được biết, Sở Tư pháp vừa phối hợp tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở tại xã Việt Lập. Tại hội thảo, một số đại biểu thẳng thắn nhìn nhận, trong thành phần hòa giải viên có nhiều người trẻ, tuy nhiệt huyết nhưng kinh nghiệm sống, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn có lúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, cơ quan chức năng đã có những nội dung bồi dưỡng, tập huấn cho lực lượng này.
Cũng tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở xã Tân Hưng (Lạng Giang) mới đây, ông Phạm Văn Tĩnh, Phó trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) đã trao đổi nhiều vấn đề các hòa giải viên chưa rõ. Điển hình như những điểm cơ bản của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013; chia sẻ kỹ năng giải quyết tình huống, giải đáp thắc mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình…
Nhờ sự quan tâm vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị; tinh thần trách nhiệm cao của các hòa giải viên nên số vụ việc phải hòa giải mỗi năm đều có xu hướng giảm, tỷ lệ hòa giải thành tăng cao (gần 87%). Qua đó giúp làng xóm thuận hòa, đoàn kết, tình hình an ninh trật tự ổn định.
Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)