Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954-2025): Góp sức làm nên “vành hoa đỏ, thiên sử vàng”
BẮC GIANG - Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Bắc Giang có hàng vạn cán bộ chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia. Giờ đây nhắc lại, ai cũng tự hào về những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng. Họ chính là những người góp phần làm nên “vành hoa đỏ, thiên sử vàng” của dân tộc.
“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
Về thôn Phùng Hưng, xã Tư Mại (thành phố Bắc Giang), hỏi ông Phạm Chi Liên-người chiến sĩ Điện Biên năm xưa ai cũng biết. Hôm chúng tôi đến, ông đã vận sẵn bộ quân phục với nhiều huân, huy chương đeo trên ngực, tươi cười đón khách ở cổng. Ở tuổi 95 (75 năm tuổi Đảng) nhưng ông vẫn rất minh mẫn. Năm 1950, ông bắt đầu tham gia chiến đấu ở mặt trận. Đợt ấy, cả xã Đại Đồng (gồm phường Cảnh Thụy và xã Tư Mại ngày nay) có hơn 50 người đi, trong đó Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Đình Hùng (mất năm 2023).
![]() |
Ông Phạm Chi Liên. |
Ông Liên kể: “Chúng tôi lúc ấy toàn là người trẻ, hầu hết chưa có vợ con. Tất cả hành quân bộ ra trận với khí thế hừng hực, miệt mài băng rừng, vượt núi nhưng lại phải bảo đảm bí mật tuyệt đối. Cứ ba đêm hành quân thì nghỉ một đêm. Bom đạn của địch dội xuống liên tục, từng phút đối mặt với nguy hiểm. Trên đường hành quân, anh em chủ yếu dựa vào Nhân dân địa phương, đi đến đâu là được người dân ở đó giúp đỡ. Cơm vắt (cơm nắm) và muối vừng là chủ đạo, nhiều khi cũng phải hái rau, măng rừng nấu vội vàng để bổ sung vào bữa ăn. Nói thật là ăn cho no để lấy sức chứ làm gì có chất. Khổ thế nhưng tinh thần chiến đấu thì cứ ngời ngời”.
Vào chiến trường, ông Liên được phân công ở đơn vị pháo binh, súng cối. Trong một trận đánh địch ở tỉnh Hòa Bình, ông đã dùng súng cối cùng đồng đội tiêu diệt được một số tên địch. Với thành tích này, ông được kết nạp Đảng khi 21 tuổi. Khi được hỏi về những trận đánh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông nhớ lại, trong chiến dịch 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm”, tiểu đội ông gồm 10 người thay nhau đào hầm. Cứ 5 người làm thì 5 người nghỉ để lấy sức. Bom thả xuống, đại bác bắn vào, ở dưới hầm anh em đỡ thương vong. Về phía địch, chúng bố trí nhiều hỏa lực mạnh, có công sự, trận địa kiên cố, vững chắc.
![]() |
Lực lượng dân công hỏa tuyến vận chuyển hàng hóa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Ảnh tư liệu. |
Đến chiều 6/5/1954, pháo tại các trận địa của ta bắn đồng loạt vào đồi A1. Sau đó, bắn vào sân bay, tiếp đến là vào đồi pháo của địch ở Hồng Cúm. Quân địch khi đó chống trả rất quyết liệt với hỏa lực mạnh, ta và địch giành nhau từng tấc đất. Tối cùng ngày, ông bị thương bất tỉnh, được lực lượng quân y băng bó rồi đưa vào căn cứ trong vùng điều trị. “Rất tiếc là thời khắc lịch sử chiều 7/5, Chiến dịch Điện Biên phủ toàn thắng, tôi không được trực tiếp chứng kiến bởi đang phải điều trị vết thương”- ông Liên bày tỏ.
Bảo đảm hậu cần cho chiến dịch
Để có được chiến thắng “chấn động địa cầu”, lực lượng dân công hỏa tuyến đã góp phần không nhỏ. Dù ở tuổi tròn 100, dấu vết thời gian đã in hằn lên làn da, mái tóc nhưng nhắc đến thời gian phục vụ chiến dịch, bà Dương Thị Luật ở thôn Hạ Lát, xã Tiên Sơn (thị xã Việt Yên) vẫn còn nhớ. “Khi ấy xã, huyện triệu tập đi dân công hỏa tuyến. Vậy là tôi đi cùng với nhiều người lắm. Cuộc đời tôi nhớ có 3 lần đi. Đó là: Đi chở gỗ, gánh cát để sửa lại cây cầu sắt ở Bắc Giang; sửa đường, cầu, phà ở Đèo Cà (Yên Thế) để cho người, cho xe quân ta qua lại chi viện cho chiến trường; lần thứ ba là đi tải thương binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”, bà Luật nói.
![]() |
Bà Dương Thị Luật. |
Khi hành quân từ Bắc Giang lên đó, mỗi người gánh khoảng 20 cân gạo, một phần dùng để mình ăn dọc đường, phần còn lại dành cho bộ đội. Để bảo đảm bí mật, dân công hỏa tuyến phải tìm những khe sâu để chui vào đó nấu cơm tự ăn dọc đường. Anh em cũng tổ chức nấu cơm chung để tiết kiệm lương thực và giảm khói bốc lên, tránh bị máy bay của địch phát hiện, đánh phá. Bình thường, bữa ăn có cơm và chút lạc rang muối. Hôm nào sang có tôm khô nấu với rau tàu bay, chuối rừng. Có bữa đói quá phải tìm cây chuối, vặt lấy nõn để ăn.
Đi mãi rồi cũng đến nơi. Bà kể: “Chúng tôi đưa thương binh về tuyến sau để điều trị, chăm sóc, đưa tử sĩ về chôn cất. Cứ hai người khênh một người bằng cái cáng dù, đòn tre. Trời khô ráo đã vất vả, nếu gặp trời mưa, đường trơn, lại phải trèo đèo, băng suối, muỗi, vắt nhiều thì càng vất vả. Lại còn phải đi làm sao để tránh bị địch phát hiện. Mình thì mệt, thương binh thì đau, nhìn thương lắm. Song chúng tôi ai cũng cố gắng quyết tâm vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Trong câu chuyện của những người lính, dân công hỏa tuyến Điện Biên năm xưa, chúng tôi nhận thấy họ đều là những người yêu quê hương, đất nước. Họ chính là những nhân chứng sống của lịch sử, luôn tự hào bởi đã đóng góp một phần công sức, cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc, cho cách mạng, cùng cả dân tộc làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Ý kiến bạn đọc (0)