Thực hiện hương ước, quy ước: Phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư
Thắt chặt tình đoàn kết
![]() |
Hương ước, quy ước được niêm yết tại nhà văn hóa thôn Má Bắp, xã Hương Lạc (Lạng Giang). |
Trước đây, ở thôn Núi và một số thôn khác của xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang), gia đình nào có đám hiếu thường tổ chức ăn uống từ 80-100 mâm cỗ. Thủ tục ở đám cưới còn rườm rà như: Xin cau, dạm ngõ, ăn hỏi, ra mắt, lại mặt. Thực hiện HƯQƯ của thôn, giờ đây các gia đình có đám hiếu chỉ làm từ 10-15 mâm cơm. Ba năm trở lại đây, 100% thi hài người đã mất được các hộ hỏa táng.
Những thủ tục rườm rà trong đám cưới đã giảm đáng kể. Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Núi cho biết, trước khi xây dựng HƯQƯ, thôn tổ chức nhiều cuộc họp để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, nâng cao ý thức tự giác chấp hành sau khi thông qua.
Ở thôn Má Bắp, xã Hương Lạc (Lạng Giang)-nơi đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 50% dân số, trước kia rác thải sinh hoạt không được thu gom, xử lý tập trung. Từ khi thôn có quy định về việc tập kết rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm bà con chấp hành nghiêm túc.
Mỗi khi các thành viên trong tổ liên gia có việc hiếu, hỷ, các gia đình đều cắt cử người đến phụ giúp, chia sẻ, động viên. Bà con vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống như nhà nào có đám hiếu, mỗi hộ tự nguyện ủng hộ 1kg gạo và 20 nghìn đồng. Ông Phạm Văn Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lạc cho biết, 17/17 thôn của xã đều có HƯQƯ. Năm 2018, xã Hương Lạc về đích NTM, đó cũng là kết quả của việc thực hiện tốt HƯQƯ ở các thôn.
Trên cơ sở kế thừa những HƯQƯ trước đây, hiện nay, 10 huyện, thành phố đều triển khai thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 8/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ và các văn chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, ngành chức năng về xây dựng, thực hiện HƯQƯ.
Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn các thôn, bản, tổ dân phố lồng ghép việc xây dựng, thực hiện HƯQƯ gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, XDNTM. Các HƯQƯ được xây dựng theo đúng trình tự, từ việc soạn thảo lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, nhân dân đến thảo luận, thông qua, phê duyệt.
Ở nhiều nơi thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng cao, mặc dù đời sống của người dân còn khó khăn song việc thực hiện HƯQƯ đạt kết quả rất đáng khích lệ. Bà Vi Thị Anh Thùy, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lục Ngạn cho biết, các thôn, khu phố chủ động lồng ghép quy chế dân chủ vào xây dựng HƯQƯ về nếp sống văn hóa, được nhân dân đồng tình ủng hộ như: Thanh niên nam, nữ kết hôn đúng tuổi quy định, không tảo hôn; đăng ký kết hôn tại UBND xã, thị trấn; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu; sống đoàn kết hòa thuận, tương thân, tương ái giữa các hộ, dòng họ; giúp nhau xóa đói, giảm nghèo.
Ở huyện Hiệp Hòa, sau khi HƯQƯ được UBND huyện phê duyệt, các bản HƯQƯ của thôn, tổ dân phố được niêm yết tại nhà văn hóa và phổ biến đến các hộ dân. Việc đánh giá thực hiện HƯQƯ của các gia đình được nhận xét, thông báo vào ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18/11 hằng năm.
Xây dựng đời sống văn hóa
![]() |
Ban lãnh đạo thôn Núi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) nghiên cứu nội dung hương ước, quy ước của thôn. |
Việc thực hiện HƯQƯ đã góp phần tích cực vào kết quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, XDNTM, phát huy tốt vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn minh, thúc đẩy KT-XH phát triển.
Năm 2019, toàn tỉnh có hơn 400 nghìn gia đình đạt chuẩn văn hóa, đạt 89,4%; tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đạt 80,8%, 52% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn văn hóa NTM. Cũng trong năm 2019, 10 huyện, TP tổ chức 20 đám cưới điểm; toàn tỉnh có gần 1.500 đám tang thực hiện hỏa táng.
Để việc thực hiện HƯQƯ mang lại hiệu quả, kinh nghiệm của nhiều địa phương là nội dung HƯQƯ phải xuất phát từ nhu cầu quản lý của cộng đồng, bám sát đặc điểm, tình hình thực tiễn ở khu dân cư gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động, giữ gìn nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình xây dựng phải phát huy trí tuệ tập thể, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cộng đồng dân cư.
Liên hệ với thực tiễn ở địa phương, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) chia sẻ, các HƯQƯ của các thôn đều được tổ thẩm định của xã xem xét, tư vấn kỹ lưỡng, vừa bảo đảm tính kế thừa, có sự bổ sung, điều chỉnh, sát với thực tiễn các thôn, loại bỏ những nội dung không phù hợp, do đó khi được thông qua, người dân thực hiện nghiêm chỉnh.
Ông Dương Hồng Cơ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các huyện, TP chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá thực trạng việc xây dựng, thực hiện HƯQƯ trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó sẽ có hướng điều chỉnh, bổ sung các nội dung phù hợp tình hình thực tiễn.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về sự cần thiết, ý nghĩa của HƯQƯ tạo sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng tham gia của người dân. Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, thực hiện HƯQƯ với bình xét, công nhận, khen thưởng các danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM.
Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)