Đoàn Bắc Giang thảo luận tại tổ về một số dự thảo luật
BẮC GIANG - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 7/5, tại Tổ thảo luận số 14 gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Bắc Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa, các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Tại đây đã có 9 đại biểu đóng góp vào các nội dung liên quan đến những quy định mới về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp liên quan đến các quy định về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định về đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã; những quy định mới về cán bộ, công chức; nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức ….
![]() |
Đại biểu Trần Văn Tuấn phát biểu thảo luận tại tổ. |
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tán thành quan điểm chỉ đạo, mục đích, yêu cầu, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp. Nêu ý kiến cụ thể đối với khoản 6, Điều 1 về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 112, đại biểu đề nghị, ngoài việc sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Nghị quyết, tại khoản 1, Điều 112 nên bổ sung cụm từ “chịu sự giám sát của Nhân dân và giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam” đồng thời diễn đạt lại cho rõ nghĩa hơn.
Đại biểu nêu dẫn chứng khoản 2, Điều 2, Hiến pháp quy định “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”. Như vậy, quyền lực Nhà nước nói chung và của chính quyền địa phương nói riêng đều thuộc về Nhân dân nên việc quy định Nhân dân giám sát đối với chính quyền địa phương là phù hợp. Nhân dân không chỉ trực tiếp giám sát chính quyền mà còn giám sát thông qua các hoạt động của MTTQ Việt Nam, trong đó có việc giám sát, phản biện xã hội (theo quy định tại Điều 9 của Hiến pháp).
Tại khoản 8, Điều 1 về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 115 quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND. Người bị chất vấn phải trả lời trước HĐND…. Dự thảo không còn quy định đại biểu HĐND cấp tỉnh có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.
Tuy nhiên, theo Tờ trình của Ủy ban dự thảo, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 thì vẫn còn có ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì cơ chế chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và điều chỉnh theo hướng quy định đại biểu HĐND cấp tỉnh có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp khu vực.
Do vậy, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị nghiên cứu thêm ý kiến này, vì thực tế thời gian qua cho thấy việc chất vấn tại kỳ họp HDND tỉnh, trong đó có chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân rất hiệu quả, được Nhân dân theo dõi, đánh giá cao. Mặt khác, cơ chế này là cần thiết, phù hợp với quy định tại khoản 3, Điều 2 Hiến pháp 2013 là: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
![]() |
Đại biểu Leo Thị Lịch góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). |
Góp ý kiến vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang), Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nêu tại Điều 4 dự thảo Luật đã cơ bản cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung Điều 4 của dự thảo Luật nguyên tắc về nội dung: “Bảo đảm đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương, thuận lợi cho Nhân dân”.
Góp ý về cơ cấu tổ chức của HĐND tại điểm a, khoản 3, Điều 29 quy định: “HĐND ở tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có thể thành lập Ban Dân tộc”. Đại biểu Leo Thị Lịch cho rằng việc thành lập Ban Dân tộc của HĐND là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để góp phần tổ chức thực hiện tốt công tác dân tộc, từ đó thúc đẩy sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do vậy, đề nghị sửa đổi quy định tại điểm a khoản 3 Điều 29 theo hướng tại các tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cần thành lập Ban Dân tộc mà không nên quy định là “có thể” trong điểm a, khoản 3, Điều 29 dự thảo Luật.
Ý kiến bạn đọc (0)