Phát triển làng nghề gắn với sản phẩm OCOP
Sản phẩm gắn sao tiêu thụ thuận lợi
Sinh ra tại làng nghề Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn), từ nhỏ ông Nguyễn Văn Hạnh (SN 1969) đã làm quen với nghề làm mỳ, sau đó trực tiếp tham gia sản xuất. Không như nhiều hộ dân khác, ông Hạnh chỉ làm một sản phẩm duy nhất là mỳ gạo Chũ truyền thống bởi đây là dòng sản phẩm tạo nên thương hiệu làng nghề Thủ Dương.
![]() |
Sản phẩm mỳ gạo Chũ Hạnh Thái vừa được công nhận OCOP 3 sao. |
Với mong muốn mở rộng sản xuất, cung ứng sản phẩm cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, năm 2019, ông Hạnh liên kết với một số hộ trong thôn thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và tiêu thụ mỳ Hạnh Thái. Hiện trung bình mỗi ngày, HTX đưa ra thị trường khoảng 20 tấn mỳ gạo, trong đó gia đình ông Hạnh chiếm khoảng 40%.
Với ưu điểm gạo ngon, không hàn the, chất bảo quản, tạo màu nên mỳ Hạnh Thái được khách hàng tin dùng, 80% sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu. Năm 2022, mỳ gạo Chũ Hạnh Thái tham gia đánh giá, phân hạng OCOP và được công nhận 3 sao. “Việc được gắn sao đã khẳng định chất lượng mỳ gạo Chũ. Ngay sau khi được công nhận, một doanh nghiệp tại TP Hà Nội đã đề nghị ký hợp đồng để đưa sản phẩm của HTX vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ hiện đại”, ông Hạnh phấn khởi nói.
Hiện toàn tỉnh có 29 sản phẩm OCOP của các làng nghề, trong đó có 9 sản phẩm 4 sao, còn lại 3 sao, tập trung vào nhóm thực phẩm, đồ uống như: Bún, mỳ, rượu… Sau khi được công nhận OCOP, các sản phẩm tiêu thụ thuận lợi hơn, thu nhập của người làm nghề tăng. Tại làng nghề mỳ gạo Châu Sơn (Tân Yên), từ khi phở và bún khô cao cấp được gắn sao (năm 2019), sản phẩm mỳ gạo Châu Sơn của HTX Sản xuất và tiêu thụ mỳ gạo Quế Hằng đã được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị A-one Mall tại Hà Nội và một số siêu thị ở TP Hồ Chí Minh. Thị trường rộng mở, sản lượng tăng 30% so với trước, thu nhập bình quân của lao động đạt từ 7-9 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, sau khi bún tươi Thắng Thủy được công nhận OCOP 3 sao, HTX Bún, bánh sạch Thắng Thuỷ, phường Đa Mai (TP Bắc Giang) đưa bún vào hệ thống siêu thị BigC Bắc Giang (nay là siêu thị GO! Bắc Giang) với giá cao hơn 5-10% so với bên ngoài.
Phấn đấu 50% làng nghề có sản phẩm OCOP
Theo thống kê, hết năm 2022, toàn tỉnh có 27 làng nghề hoạt động trong 4 nhóm
Hết năm 2022, toàn tỉnh có 27 làng nghề hoạt động trong 4 nhóm ngành nghề, gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt may; sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh và dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Tại các làng nghề có 29 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó 9 sản phẩm 4 sao, còn lại 3 sao. |
Sản phẩm làng nghề ngày một đa dạng với nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Trong đó, một số mặt hàng có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước như: Mỳ gạo của làng nghề Thủ Dương (Lục Ngạn); rượu Làng Vân của làng nghề Yên Viên, bánh đa nem của làng nghề Thổ Hà, cùng xã Vân Hà (Việt Yên); bún, bánh Đa Mai (TP Bắc Giang); mỳ gạo của làng nghề Châu Sơn (Tân Yên)…
Mặc dù có tiềm năng song hiện số lượng sản phẩm OCOP của các làng nghề còn khiêm tốn, chỉ chiếm 14,1% tổng số sản phẩm được công nhận, tập trung ở 4 làng nghề: Thủ Dương, Yên Viên, Châu Sơn và bún, bánh Đa Mai. Ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) nói: “Trong xu hướng phát triển, nhiều làng nghề không bắt kịp, dần mất thị phần và cả sự quan tâm của người tiêu dùng. Từ đó dẫn đến người làm nghề chỉ làm vì đam mê, làm để giữ nghề truyền thống của cha ông mà không mặn mà tham gia OCOP”.
Nhằm khai thác lợi thế, nâng tầm nghề truyền thống của các làng nghề, trong kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh xác định đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 310 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm được công nhận.
Thực hiện chương trình, các huyện, TP đã tích cực vào cuộc, trong đó UBND TP Bắc Giang đã đầu tư hơn 96 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì với diện tích 10 ha, đang thực hiện các thủ tục để đưa các hộ tại làng nghề mộc Bãi Ổi vào sản xuất. Tương tự, UBND huyện Lục Ngạn đang rà soát, lên phương án hỗ trợ cải tạo các lò làm mỳ thủ công tại làng nghề Thủ Dương bằng lò công nghệ (hơi, điện, ga) nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Với trách nhiệm của mình, Sở Nông nghiệp và PTNT xác định ưu tiên lựa chọn các sản phẩm làng nghề truyền thống để đầu tư phát triển thương hiệu. Quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề cho thợ trẻ, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xử lý môi trường làng nghề, coi đây là cơ sở để làng nghề phát triển bền vững, hướng đến sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch nông thôn.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)