Khen thưởng kịp thời, tạo động lực thi đua
BẮC GIANG - Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do tổ chức công đoàn phát động nhiều năm qua đã phát huy hiệu quả, tạo cơ hội cho đoàn viên, công nhân lao động bộc lộ, phát huy năng lực, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Qua đó tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, làm lợi cho doanh nghiệp.
Khuyến khích, tạo môi trường sáng tạo
Với phương châm “Mỗi công nhân là một chiến sĩ trên mặt trận năng suất”, chương trình “Ngày thi năng suất” được Công ty trách nhiệm hữu hạn Pearl Global Việt Nam (thành phố Bắc Giang) phát động từ đầu năm 2019. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Đây là ý tưởng của Ban Chấp hành Công đoàn và được Ban Giám đốc thông qua với mong muốn phát huy tài năng, trí tuệ, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của mỗi lao động. Theo đó, hằng tháng, tùy vào điều kiện thực tế, công ty, công đoàn phối hợp tổ chức một buổi thi tay nghề giữa các tổ sản xuất. Ngoài phần thưởng trao cho tập thể, các cá nhân tiêu biểu cũng được lựa chọn để biểu dương.
![]() |
Để tạo động lực thi đua, Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG trao danh hiệu "Tài trí Việt" cho công nhân tiêu biểu. |
Có môi trường thuận lợi để sáng tạo, lại được động viên kịp thời, mỗi lao động thêm gắn bó, làm việc hết mình. Đơn cử như anh Phan Văn Công ở tổ may 6. Hơn 3 năm làm việc tại công ty, anh đã nhiều lần được khen thưởng trong chương trình “Ngày thi năng suất”. Trước yêu cầu ngày càng cao của sản phẩm xuất khẩu, anh luôn tìm tòi để tìm ra phương pháp làm việc khoa học, giảm bớt nhân công, thời gian nhưng lại tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Được lãnh đạo công ty tin tưởng giao nhiệm vụ ở bộ phận chỉnh chuyền, sắp xếp, điều phối việc cho các chuyền may, theo dõi tiến độ sản xuất từng mã hàng, anh đã tự nghiên cứu, đề xuất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật có tính ứng dụng cao, làm lợi cho doanh nghiệp. Điển hình như việc đưa máy vắt sổ 5 chỉ vào quy trình sản xuất, giúp giảm một nửa thời gian may sản phẩm; thiết kế thêm chân vịt cho máy may giúp công nhân có thể làm cùng lúc 3 công đoạn mà vẫn bảo đảm đường may đẹp. Mới đây, với sáng kiến “Bỏ ke cữ trong công đoạn quay gấu”, giúp rút ngắn 1/2 thời gian thực hiện, anh được ban giám đốc khen thưởng đột xuất.
Đến Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Sản xuất thương mại Công nghệ mặt trời (Hiệp Hòa) vào đầu giờ sáng, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc hối hả của công nhân ở tất cả các bộ phận. Nhiều năm nay, đơn vị là một trong số ít doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử được Liên đoàn Lao động huyện Hiệp Hòa đánh giá có phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” diễn ra sôi nổi, hiệu quả.
Ông Khổng Văn Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho hay, để khích lệ tinh thần làm việc của công nhân, Ban Giám đốc chọn cách bình bầu “Tổ sản xuất giỏi” và “Lao động xuất sắc” theo từng tháng, từng mã hàng cụ thể. Dựa trên các tiêu chí như: Đạt, vượt mức khoán; thao tác tốt; có sáng kiến cải tiến kỹ thuật; hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp…, các tổ, cá nhân đạt danh hiệu được thưởng tiền, hiện vật. Nhằm khích lệ tinh thần thi đua sáng tạo, lãnh đạo doanh nghiệp còn ưu tiên công nhân điển hình được đăng ký phát triển, đào tạo lên các vị trí cao hơn, làm cán bộ nguồn quản lý sau này.
Công đoàn đồng hành, lan tỏa phong trào
Liên đoàn Lao động tỉnh hiện đang quản lý hơn 1,8 nghìn công đoàn cơ sở với 309,2 nghìn đoàn viên. Việc phát động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm luôn được Liên đoàn Lao động tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện. Hằng năm, căn cứ vào tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ công đoàn cơ sở sẽ trực tiếp tham mưu với lãnh đạo kế hoạch cụ thể thực hiện nội dung thi đua. Sau khi tổ chức phát động, mỗi đoàn viên công đoàn đăng ký ít nhất một sáng kiến gắn với nhiệm vụ chuyên môn.
Nhờ vậy, các phong trào điển hình như: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Dạy tốt, học tốt”, "Thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn", "Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động"… đã thu hút đông đảo công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh hưởng ứng. Năm 2024, toàn tỉnh có 125 đề tài khoa học cấp tỉnh, hơn 1,3 nghìn đề tài cấp cơ sở, 28 công trình, sản phẩm với giá trị đăng ký thực hiện 48 tỷ đồng; hơn 3,5 nghìn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng vào thực tế, giá trị làm lợi ước hơn 14 tỷ đồng.
Tại nhiều doanh nghiệp, công đoàn cơ sở đã phát huy vai trò đồng hành, lan tỏa nhiều phong trào thi đua từ các hình thức khuyến khích, biểu dương phù hợp. Điển hình như: Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Thống Nhất (Lạng Giang) thưởng “nóng” cho công nhân có sáng kiến được áp dụng; Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong (Hiệp Hòa) tổ chức chương trình “Sáng kiến giỏi - Năng suất cao”, bình xét, tuyên dương lao động có nhiều ý tưởng sáng tạo trong sản xuất…
Chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai phong trào thi đua, ông Ngô Quang Tuấn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hiệp Hòa cho biết: Đơn vị khuyến khích công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp tổ chức các hoạt động thi tay nghề, thợ giỏi, tạo cơ hội thể hiện năng lực, tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo trong công nhân. Đồng thời, định hướng công tác khen thưởng, chuyển trọng tâm về cơ sở, động viên người lao động trực tiếp, tạo động lực cống hiến.
Để phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” ngày càng lan tỏa, phát huy hiệu quả trong từng công đoàn cơ sở, nhất là trong doanh nghiệp, ông Lê Đức Thọ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, thời gian tới, các cấp công đoàn tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, trình độ cho đội ngũ đoàn viên, công nhân, lao động; tiếp tục đổi mới nội dung thi đua.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh vận động, phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, chủ sử dụng lao động tạo môi trường thuận lợi cho người lao động phát huy năng lực, trí tuệ; thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, tổng kết các phong trào thi đua, kịp thời phát hiện những nhân tố điển hình để khen thưởng và ứng dụng các sáng kiến vào sản xuất, kinh doanh.
Ý kiến bạn đọc (0)