Ngành Hậu cần làm theo lời Bác: Đẩy mạnh tăng gia, nâng cao đời sống bộ đội
Áp dụng kỹ thuật mới
Ban CHQS huyện Hiệp Hoà đóng quân trên địa bàn trung tâm huyện, diện tích đất canh tác ít, bạc mầu... Khắc phục khó khăn, đơn vị áp dụng nhiều kỹ thuật mới vào sản xuất. Thượng úy Nguyễn Việt Phương, Trợ lý dân quân chia sẻ: “Trước đây đơn vị phải huy động khoảng chục quân nhân làm nhiệm vụ tưới rau vào sáng sớm và chiều tối hằng ngày.
![]() |
Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Hiệp Hoà tăng gia sản xuất. |
Từ khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, chỉ cần một người điều khiển là có thể tưới hết vườn rau. Hệ thống tưới tự động giúp đất dễ dàng hấp thụ, cây phát triển đều, xanh tốt hơn; vừa đỡ tốn nhân công lại tiết kiệm nước, tránh làm hư hại lá”. Mùa nào thức ấy, những luống rau luôn xanh non với các loại như rau muống, mùng tơi, dền, đay; trên giàn là các loại mướp, bầu, bí; bao quanh là cà chua, đu đủ, đậu đỗ... trĩu quả.
Cả vườn rau là hệ thống nhà lưới, giúp giảm tác động của thời tiết, sâu bệnh. Khu chuồng trại chăn nuôi bò, lợn, gia cầm luôn được vệ sinh sạch sẽ. Theo Trung tá Phạm Ngọc Hà, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện, nhờ sự đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất phục vụ tăng gia sản xuất, đơn vị đã tiết kiệm được nhân lực chăm sóc, giảm chi phí phân bón, nước tưới và thuốc bảo vệ thực vật; bảo đảm 100% nguồn rau sạch và một phần thịt tươi ngon bổ sung vào bữa ăn bộ đội. Sản phẩm dôi dư còn cung ứng ra thị trường, tạo nguồn thu cho đơn vị.
Việc áp dụng kỹ thuật mới trong tăng gia sản xuất cũng được thực hiện tại nhiều đơn vị đầu mối. Đơn cử như hệ thống lưới, màng ngăn mưa được áp dụng tại Ban CHQS huyện Tân Yên giúp chặn côn trùng, nước mưa không làm dập lá, nát cây. Phương pháp ủ phân bón vi sinh, phân hữu cơ trộn với đất canh tác tại Ban CHQS huyện Lạng Giang giúp đất sạch, không lây truyền mầm bệnh cho rau, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, tạo nguồn thực phẩm an toàn.
Kỹ thuật nuôi gà thả vườn kiểu mới được Ban CHQS huyện Yên Thế áp dụng đúng kỹ thuật như: Chọn vị trí nuôi ở nơi có đất trống, nhiều bóng râm; trong chuồng luôn có cỏ xanh làm thức ăn cho gà; khu vực chăn nuôi không để tồn rác thải, nước đọng; thức ăn kết hợp với các loại nguyên liệu khác như cám, cơm, rau xanh để tăng thêm chất dinh dưỡng, gà lớn nhanh, chắc xương hơn.
Tự lực tăng gia sản xuất
Để việc tăng gia sản xuất đạt hiệu quả, những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh tập trung tuyên truyền sâu rộng phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”…
Qua đó, phát huy tinh thần tự lực, trí tuệ và công sức của cán bộ, chiến sĩ, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tăng gia. Thượng tá Nguyễn Bắc Dũng, Chủ nhiệm Hậu cần (Bộ CHQS tỉnh) cho biết: Những năm qua, ngành hậu cần đã thực hiện nhiều chủ trương và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tăng gia.
Các đơn vị huy động nguồn lực để đầu tư, mở rộng khu tăng gia theo hệ thống liên hoàn, cơ cấu rau trồng đa dạng về chủng loại, chú trọng xen canh gối vụ. Từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng vũ trang tỉnh thu hoạch hơn 120 tấn rau, củ, quả; hơn 50 tấn thịt; gần 20 tấn cá; 10 nghìn trứng gà, vịt. Kết hợp với các hoạt động dịch vụ khác, tổng thu nhập bình quân từ nguồn tăng gia sản xuất, chăn nuôi trị giá 1,35 triệu đồng/người/năm, đạt kế hoạch đề ra.
“Thời gian tới, bám sát kế hoạch của Bộ CHQS tỉnh, các đơn vị tiếp tục áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; luân canh gối vụ để bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm khi chuyển mùa, giáp vụ. Chủ động nguồn thực phẩm sạch góp phần chăm sóc sức khỏe bộ đội trong mọi nhiệm vụ, tình huống”-Thượng tá Nguyễn Bắc Dũng nhấn mạnh.
Hữu Trình
Ý kiến bạn đọc (0)