Hòa giải trong tố tụng dân sự: Khuyến khích đương sự tự thỏa thuận
Năm 2021 TAND huyện Tân Yên có hơn 300 vụ được hòa giải thành, đạt hơn 70% số vụ án đã giải quyết. Trong số đó chiếm phần lớn là án về hôn nhân gia đình. Những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày đã dẫn đến tình cảm vợ chồng sứt mẻ, tháng 8/2021 chị Nguyễn Thị H ở thị trấn Cao Thượng đã viết đơn ly hôn.
Vì luôn bất đồng quan điểm sống nên thời gian đầu thụ lý án, quá trình hòa giải giữa đôi bên gặp khó khăn do cả hai đều khăng khăng giữ quan điểm riêng của cá nhân. Thẩm phán khi giải quyết vụ việc đã phải dành không ít thời gian để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cả hai. Vụ việc hòa giải thành sau gần một tháng thụ lý đơn, TAND huyện đã ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà không phải đưa ra xét xử, đương sự cũng không mất khoản tiền án phí.
![]() |
Các thẩm phán TAND huyện Lạng Giang trao đổi nghiệp vụ xét xử. |
Để giảm áp lực xét xử, từ thực tiễn công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, những năm gần đây, TAND huyện Lạng Giang cũng luôn chú trọng công tác hòa giải giữa các nguyên đơn và bị đơn, tạo điều kiện cho các bên thống nhất đường lối giải quyết vụ án.
Theo ông Thân Hồng Giang, Chánh án TAND huyện: trước mỗi vụ án, đơn vị đều yêu cầu các thẩm phán phải có trách nhiệm làm tốt các khâu như xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, định giá tài sản giữa các bên liên quan để khi hòa giải làm căn cứ giải thích cho nguyên đơn, bị đơn nắm rõ quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Đối với các vụ án liên quan đến hôn nhân gia đình, các thẩm phán khi được phân công giải quyết vụ việc đều phải chủ động lên lịch bố trí gặp gỡ đương sự, trực tiếp lắng nghe những nguyên nhân dẫn đến bất đồng từ cả hai phía để từ đó thuyết phục, phân tích thiệt hơn. Việc làm này giúp đương sự hiểu thêm các quy định của pháp luật, từ đó tự nguyện hợp tác, không gây khó khăn để án phải kéo dài.
Thống kê của TAND tỉnh, trung bình mỗi năm, TAND hai cấp thụ lý hơn 7 nghìn vụ. Trong đó có số lượng lớn là án dân sự, án hôn nhân gia đình. Để giảm áp lực xét xử, từ thực tiễn công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, những năm gần đây, TAND hai cấp đã chú trọng công tác hòa giải.
Trong số những tranh chấp được hòa giải thành chủ yếu liên quan đến quyền nuôi con, quyền sử dụng đất, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng tín dụng... Vì vậy, đối với công tác thụ lý xét xử tại tòa án, việc nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp cơ bản, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng tăng trong tình hình các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.
Việc không trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng khi giải quyết các vụ việc sẽ tạo thuận lợi cho đội ngũ thẩm phán, thư ký tòa án tập trung nghiên cứu, giải quyết các vụ việc phức tạp nâng cao chất lượng xét xử.
Kết quả hòa giải, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành, vụ việc được giải quyết dứt điểm hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Sau khi được hòa giải, phân tích thiệt hơn, không ít các đương sự trong nhiều vụ án đã bớt căng thẳng, chủ động thương lượng về cách xử lý vụ việc.
Vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng tài sản vay của nguyên đơn là anh Hoàng Thành N ở phường Vân Dương, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) là một minh chứng. Theo vụ án, bị đơn là ông Trần Bình T ở phường Thọ Xương, TP Bắc Giang phải trả cho anh N số tiền cả gốc và lãi hơn 250 triệu đồng.
Với vai trò của mình, thẩm phán nghe bị đơn trình bày các khó khăn trong việc trả nợ, đồng thời dùng các lý lẽ thuyết phục về tình, về lý để hai bên tự thỏa thuận. Qua 4 lần hòa giải, các đương sự đã có sự thỏa thuận chung về số tiền phải trả và kỳ hạn thanh toán nợ.
Nhờ làm tốt công tác hòa giải đã góp phần làm giảm đáng kể số vụ việc phải đưa ra xét xử, năm vừa qua, TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh đã hòa giải thành 3.296/5.472 vụ, đạt hơn 60,2%. Trong đó phần lớn là các vụ tranh chấp dân sự, vụ án hôn nhân gia đình.
Thấy rõ lợi ích của việc hòa giải thành, trên cơ sở thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, TAND hai cấp cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất thiết yếu như bố trí phòng hòa giải riêng, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi đến gặp gỡ, đối thoại cảm thấy thoải mái, thân thiện để sẵn sàng chia sẻ, nêu những băn khoăn, vướng mắc.
Đặc biệt, năm vừa qua, TAND tỉnh đã lựa chọn 4 hòa giải viên cấp tỉnh và 40 hòa giải viên cấp huyện, TP đáp ứng đầy đủ yêu cầu, tiêu chuẩn được quy định trong luật và được tập huấn các khóa do TAND Tối cao tổ chức để bổ nhiệm hòa giải viên. Trong đó, đa số hòa giải viên là những người am hiểu pháp luật, từng trải qua các công việc liên quan đến pháp luật và có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Thời gian tới, TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục yêu cầu các thẩm phán thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải trong quá trình tiếp nhận, giải quyết án. Mặt khác, phát huy tốt vai trò của các hòa giải viên để nâng cao hơn nữa tỷ lệ hòa giải thành.
Bài, ảnh: Tuệ An
Ý kiến bạn đọc (0)