Gỡ điểm nghẽn trong kê khai chăn nuôi
Người dân chưa tích cực tham gia
Hộ ông Hà Văn Sắc, thôn Sơn Giao, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) chăn nuôi từ nhiều năm nay. Ông kể, có năm bán hơn 200 con lợn thịt. Nguồn thu nhập chính của gia đình từ chăn nuôi nên năm 2019, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) khiến đàn lợn bị chết, ông phải chuyển sang nuôi vịt quy mô gần 2 vạn con/năm.
![]() |
Cán bộ thú y xã Ngọc Sơn vận động ông Sắc (bên phải) kê khai và thực hiện chăn nuôi an toàn sinh hoc. |
Khi nhắc tới việc UBND xã Ngọc Sơn yêu cầu kê khai đàn gia súc, gia cầm theo Luật Chăn nuôi, ông Sắc cười xuề xòa: “Người ta nuôi nhiều mới phải kê khai, mình nuôi ít kê làm gì !”. Theo ông Nguyễn Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn, không chỉ hộ ông Sắc, hầu hết các hộ trên địa bàn cũng không kê khai gia súc, gia cầm đang nuôi. Mặc dù huyện, xã đã triển khai công việc này từ tháng 8/2020.
Tìm hiểu tại huyện Tân Yên - địa phương có tổng đàn vật nuôi đứng đầu tỉnh song việc kê khai cũng đang gặp khó. Theo bà Đào Thu Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, chỉ có khu vực trang trại và các cơ sở chăn nuôi của những doanh nghiệp (DN) kê khai nghiêm túc. Còn khu vực chăn nuôi nông hộ đa phần không thực hiện.
Ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang cho biết, ngay sau khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, ngành nông nghiệp đã triển khai việc kê khai tới các huyện, TP. Tuy nhiên đến nay kết quả còn thấp. Thực tế cho thấy, dịch bệnh xảy ra thường bắt nguồn và lây lan từ khu vực chăn nuôi nông hộ.
Do đó, nếu chính quyền không nắm được tổng đàn và số hộ nuôi sẽ không thể đưa ra phương án, kế hoạch phòng, chống, dập dịch tốt nhất. Đồng thời, Nhà nước không thể quản lý và có những chính sách điều tiết hoạt động chăn nuôi phù hợp, góp phần đưa ngành này phát triển ổn định.
Bắc Giang là địa phương có đàn vật nuôi lớn, nằm trong tốp đầu của cả nước. Khi giá sản phẩm chăn nuôi tăng, giảm hoặc dịch bệnh xảy ra sẽ khiến cả khu vực sản xuất này biến động. Ví như các năm: 2013, 2016, 2017 và 2019, ngành chăn nuôi gặp thiệt hại nặng nề bởi dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng (LMLM), dịch tả lợn châu Phi.
Năm 2016, giá lợn tăng cao, nhiều người tập trung nuôi lợn dẫn đến khủng hoảng thừa. Đúng thời điểm này, dịch LMLM xuất hiện khiến giá lợn hơi chạm đáy “bán không ai mua”, nhiều hộ thua lỗ. Vì thế việc kê khai đàn vật nuôi để định hướng phát triển, ổn định cung cầu, phòng, chống dịch bệnh là hết sức cần thiết.
Nâng trách nhiệm của chính quyền cơ sở
Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Tại khoản 1, Điều 54, Luật Chăn nuôi quy định: Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã.
Ngày 30/11/2019, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Thông tư số 23 hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi. Tại Điều 4, Thông tư này quy định rõ: Tổ chức, cá nhân chăn nuôi thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi từ ngày 25 đến ngày 30 của tháng cuối quý theo biểu mẫu quy định.
Bên cạnh đó, Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh cũng quy định: Các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng 4 điều kiện, trong đó có điều kiện đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã).
Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai.
Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, nguyên nhân khiến chủ nuôi không kê khai là do tập quán chăn nuôi tự do. Người nuôi mới chỉ nghĩ đến mình mà chưa quan tâm đến lợi ích của cộng đồng. Công tác tuyên truyền thực thi Luật Chăn nuôi còn hạn chế.
Hiện chúng ta vẫn chỉ tập trung vào hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi mà chưa tuyên truyền sâu về những quy định của Luật Chăn nuôi. Chính quyền cơ sở chưa quan tâm thỏa đáng tới hoạt động kê khai…, trong khi hệ thống thú y cơ sở lại đang thu gọn, dẫn tới việc kê khai thêm trở ngại.
Để tháo gỡ vướng mắc, cấp ủy, chính quyền cơ sở cần quan tâm kiện toàn hệ thống cán bộ thú y cho các Phòng Nông nghiệp và PTNT, đồng thời xây dựng chức năng, nhiệm vụ cho đội ngũ này. Khi có dịch bệnh xảy ra, các địa phương thực hiện nghiêm chính sách, trường hợp không đăng ký, kê khai sẽ không được hỗ trợ.
Chính quyền địa phương, ngành liên quan cần đổi mới biện pháp tuyên truyền để người dân thấy được việc kê khai chăn nuôi góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, phát triển ngành chăn nuôi bền vững. Nêu cao trách nhiệm của chính quyền xã trong thực hiện Luật Chăn nuôi.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)