Giám sát thực hiện chính sách pháp luật về thú y tại Bắc Giang
![]() |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà phát biểu tại buổi giám sát. |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Bắc Giang là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó chăn nuôi chiếm tỷ trọng 40,7%.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, hằng năm tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn và các văn bản khác theo chỉ đạo của T.Ư.
Việc giám sát chủ động dịch bệnh, kiểm soát cơ sở giết mổ, công tác tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn… được thực hiện thường xuyên, góp phần hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan và thúc đẩy chăn nuôi phát triển.
Tuy nhiên, đến hết quý IV năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang, các địa phương trong tỉnh đã sáp nhập Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật và Trạm Khuyến nông thành Trung tâm dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện.
Hệ thống tổ chức ngành thú y Bắc Giang không còn là ngành dọc từ cấp tỉnh đến cơ sở, tại các huyện, TP, chức năng quản lý nhà nước về thú y giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện và phòng Kinh tế TP nên việc triển khai nhiệm vụ chuyên môn của Chi cục với các địa phương chưa hiệu quả.
Nhiều trường hợp còn lúng túng, không có đầu mối rõ ràng. Chế độ thông tin báo cáo chậm, muộn, báo cáo chưa đúng nội dung yêu cầu, thậm chí không có báo cáo dịch bệnh hằng tháng.
Số lượng cán bộ có chuyên môn chăn nuôi thú y làm việc tại các huyện còn rất ít, một số phòng nông nghiệp và PTNT không có cán bộ chuyên ngành, do vậy rất khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ nhất là khi có dịch xảy ra.
Ngoài ra, công tác tiêm phòng, chế độ chi trả cho cán bộ công chức và viên chức ngành còn bất cập. Dù Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí chủ trương kéo dài thời gian sắp xếp cán bộ thú y cơ sở đến hết năm 2024 song thời điểm hiện tại nhiều cán bộ làm công tác chăn nuôi thú y xã đã chuyển vị trí hoặc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, gây khó khăn cho việc triển khai nhiệm vụ chuyên môn tại cơ sở.
Trước thực tế trên, UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Chính phủ giao Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên ngành thú y thống nhất trong toàn quốc để kiện toàn lại hệ thống thú y theo chỉ đạo của Trung ương.
Đề nghị Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nội tỉnh để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh và mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, TP thực hiện đồng bộ các biện pháp trong phòng, chống dịch, nhất là các bệnh nguy hiểm.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn đã trao đổi, đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan làm rõ một số nội dung về chính sách hỗ trợ trong sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; mở rộng các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện chuỗi liên kết và ứng dụng công nghệ cao; việc quản lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; tổ chức bộ máy cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp…
Kết luận tại buổi giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà đánh giá cao những kết quả tỉnh đạt được trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến thú y. Đồng thời, tiếp thu và tổng hợp những khó khăn, bất cập và những kiến nghị, đề xuất của tỉnh trình Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu, tình hình thực tiễn hiện nay ở cơ sở.
Trước đó, Đoàn công tác của Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội đã có buổi khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thú y tại huyện Việt Yên và Hiệp Hòa.
Ý kiến bạn đọc (0)