Bắc Giang: Kết nối giao thông, tạo đà bứt phá
Tập trung thi công công trình trọng điểm
Theo Sở Giao thông - Vận tải (GTVT), giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Bắc Giang xác định phát triển hệ thống hạ tầng giao thông là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung ưu tiên, tạo đột phá thúc đẩy phát triển KT-XH của mỗi địa phương và của tỉnh.
![]() |
Gói thầu số 5a thuộc dự án xây dựng đường nối từ QL 37 - QL 17 - ĐT 292 hoàn thành, đưa vào sử dụng. |
Tỉnh đặc biệt ưu tiên mở mới và cải tạo các tuyến đường kết nối đối ngoại, phục vụ công nghiệp, du lịch. Thực hiện chủ trương này, những năm gần đây trong tỉnh có hàng loạt các dự án giao thông kết nối giữa các huyện, TP trên địa bàn và giữa Bắc Giang với các tỉnh đang được triển khai, đẩy nhanh tiến độ.
Một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh giai đoạn này là xây dựng đường nối từ quốc lộ (QL) 37 (Việt Yên) qua QL 17 (Tân Yên) đến đường tỉnh (ĐT) 292 (Lạng Giang). Tổng mức đầu tư hơn 678 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ mục tiêu ngân sách T.Ư và ngân sách tỉnh. Tuyến đường này dài 18,25 km, nền đường rộng 12 m, mặt đường 11 m khởi công từ tháng tháng 9/2021…
Dự án chia làm 4 gói thầu, trong đó gói thầu số 5a có điểm đầu của dự án từ Km0+00 – Km4+900 giao với QL37 thuộc địa phận xã Việt Tiến (Việt Yên) do Công ty cổ phần Đường bộ Bắc Giang và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tân Phát thi công đến nay đã hoàn thành, tạo điều kiện cho người dân các xã Việt Tiến, Thượng Lan lưu thông thuận lợi.
Tương tự, gói thầu số 6 xây dựng cầu vượt sông Thương, đoạn từ Km15+952,99 – Km16+700 thuộc điểm cuối của dự án này do Công ty TNHH Xây dựng Tân Thịnh thi công, đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Ông Nguyễn Ngọc Ca, thôn Hồng Giang, xã Dương Đức (Lạng Giang) cho biết: “Trước đây, mỗi khi cần vận chuyển hàng hóa sang xã Liên Chung (Tân Yên) tiêu thụ, tôi phải đi qua bến đò Mom trên sông Thương, khá vất vả. Cách đây chừng hai tháng, cầu vượt sông Thương hoàn thành, người dân trong vùng cũng như gia đình tôi đi lại thuận lợi, bảo đảm an toàn giao thông”.
Thời điểm này, hai gói thầu còn lại đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu các hạng mục trên toàn tuyến hoàn thành vào năm 2023.
Dự án làm đường nối QL 37 – QL 17 đi Võ Nhai (Thái Nguyên) qua các huyện: Việt Yên, Tân Yên, Yên Thế có tổng mức đầu tư hơn 1.452 tỷ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ. Dự án này có tuyến chính dài hơn 42 km, điểm đầu Km0 + 00 giao với tuyến QL 37 – QL 17 – đường tỉnh (ĐT) 292 tại vị trí gần trạm bơm tiêu kênh Lái Nghiên, xã Việt Tiến (Việt Yên), điểm cuối hết địa phận tỉnh Bắc Giang nối vào đường hiện trạng thuộc xã Bình Long, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên).
Dự án còn đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến nhánh ĐT 294 đoạn từ ngã ba Tân Sỏi (Yên Thế) đến xã Phúc Sơn (Tân Yên) dài gần 15 km và hàng loạt cầu… Theo thiết kế, tuyến chính được chia làm hai đoạn, đoạn 1 dài khoảng 28,5 km được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 12 m, mặt đường 11 m; đoạn 2 dài 13,6 km nền đường 9 m, mặt đường 8 m…
Đến nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng toàn tuyến đạt 40/42 km, nhà thầu thi công nền đường xong 20 km. Cùng với hai dự án trên, trong tỉnh hiện có nhiều dự án giao thông trọng điểm khác đang được đầu tư thực hiện như: Dự án cải tạo, nâng cấp QL 31 qua địa bàn huyện Lục Ngạn với tổng mức đầu tư hơn 863 tỷ đồng; dự án xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu, tổng kinh phí gần 1.500 tỷ đồng; dự án xây dựng cầu Như Nguyệt, tổng kinh phí hơn 456 tỷ đồng…
Đồng bộ hạ tầng
Theo cơ quan chức năng, thực hiện kế hoạch phát triển giao thông của tỉnh, từ năm 2021 đến nay trong tỉnh có khoảng 20 dự án giao thông quy mô lớn do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư đã tổ chức khởi công.
Tổng nguồn kinh phí thực hiện các dự án hàng nghìn tỷ đồng. Trong số này có nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng; một số dự án hoàn thành theo từng gói thầu. Qua đó góp phần tăng tính kết nối giao thông đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận, thúc đẩy giao thương hàng hóa, lưu thông thuận lợi, đẩy mạnh phát triển KT-XH địa phương.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Phó trưởng Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh cho biết, hiện Ban đang làm chủ đầu tư 10 công trình giao thông trọng điểm làm cầu và đường, các dự án đều có tính kết nối giao thông bảo đảm hiện đại, đồng bộ.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh dự kiến huy động hơn 52 nghìn tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông; phát triển mạnh mạng lưới giao thông đường bộ, nâng cấp hạ tầng đường sắt, đường thủy nội địa, bảo đảm kết nối giữa các phương thức vận tải. |
Ví như dự án xây dựng đường nối từ quốc lộ QL 37 - QL 17 - ĐT 292 hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển mới, kết nối giữa các huyện Việt Yên, Tân Yên và Lạng Giang, thúc đẩy phát triển KT-XH, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Hay dự án xây dựng đường nối QL 37 - QL 17 đi Võ Nhai dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2024 sẽ tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh, tăng cường kết nối giữa các huyện: Việt Yên, Tân Yên, Yên Thế với huyện Võ Nhai. Đồng thời có ý nghĩa to lớn để các địa phương bứt phá, khai thông thêm nhiều hướng giao thương; tạo điều kiện thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Được biết, những năm gần đây, tỉnh luôn quan tâm thực hiện các chính sách để đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong đó một trong những giải pháp then chốt là đẩy mạnh phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ. Nhờ vậy, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh luôn đứng trong nhóm 10 các tỉnh, TP dẫn đầu toàn quốc. Thời điểm này, tại 6 khu công nghiệp, diện tích cơ bản đã được lấp đầy với hơn 400 dự án của các nhà đầu tư.
Theo đại diện lãnh đạo Sở GTVT, việc tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “giao thông đi trước một bước”, hiện đại và tăng tính kết nối sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào địa bàn tỉnh.
Do đó, từ nay đến năm 2025, tỉnh dự kiến huy động hơn 52 nghìn tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông; phát triển mạnh mạng lưới giao thông đường bộ, nâng cấp hạ tầng đường sắt, đường thủy nội địa, kết nối giữa các phương thức vận tải. Cụ thể sẽ cải tạo, nâng cấp thêm 70 km đường QL và 250 km ĐT quy mô từ cấp III trở lên. Đồng thời, xây dựng các trục giao thông động lực, quy mô mặt đường tối thiểu 18 m với 4 làn xe cơ giới trở lên.
Bài, ảnh: Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)