Lục Nam xây dựng hạ tầng giao thông: Kết nối phát triển công nghiệp, du lịch
Tuyến đường tỉnh (ĐT) 295 đoạn qua xã Tam Dị và Bảo Sơn nối với quốc lộ (QL) 37 là huyết mạch giao thông. Trước đây mặt đường nhỏ hẹp, xuống cấp, ảnh hưởng đến việc đi lại và thông thương hàng hóa. Giải quyết vấn đề này, huyện đã dành gần 44,5 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để sửa chữa nền, mặt đường và rãnh thoát nước dài hơn 6,7 km.
![]() |
Tuyến đường nối QL 31 và ĐT 293 đoạn qua xã Chu Điện đang được thi công. |
Theo kế hoạch, dự án hoàn thành vào tháng 5/2022 song đến đầu tháng 2, công trình đã cơ bản xong. Anh Nguyễn Văn Khải, cán bộ Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Bắc Giang (nhà thầu thi công), Chỉ huy trưởng công trường cho biết: Để dự án vượt tiến độ, Công ty tập trung cao nhất phương tiện, công nhân, có mặt bằng đến đâu thi công ngay đến đó.
Nhà thầu nhận được sự phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi của chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện và chính quyền, nhân dân các xã có tuyến đường đi qua. Chỉ trong thời gian ngắn, đoạn đường được nâng cấp, cải tạo, nền rộng từ 7,5m đến 8m, mặt đường 5,5m đến 7m, có đoạn nền 15m, mặt đường 12m và được thảm bê tông nhựa.
Thời gian qua, huyện Lục Nam tập trung nguồn lực cao nhất đầu tư xây dựng hạ tầng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông, kết nối huyện với các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, Lục Nam định hướng phát triển không gian theo 4 trục gồm: QL31 từ xã Phương Sơn đến xã Tiên Nha tập trung phát triển đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch và công nghiệp theo hướng Tây - Đông; QL37 từ xã Đan Hội đến xã Thanh Lâm ưu tiên phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị theo hướng Tây Nam - Đông Bắc; ĐT293 từ xã Lan Mẫu đến xã Bình Sơn phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch theo hướng từ Tây sang Đông; trục dọc sông Lục Nam theo hướng Tây Bắc - Đông Nam phát triển vận tải đường thủy và vật liệu xây dựng.
Riêng năm 2021, huyện huy động gần 1 nghìn tỷ đồng từ nhiều nguồn để thực hiện 12 dự án giao thông với tổng chiều dài hơn 60km. Bên cạnh đó, huyện được phân bổ hơn 376 tỷ đồng để thực hiện xây dựng cơ bản với 147 công trình.
Trao đổi với đồng chí Khuông Văn Phượng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện được biết, năm 2022 và thời gian tiếp theo, huyện tiếp tục ưu tiên cho các dự án giao thông như tuyến đường tránh nối QL31 - QL37 đoạn cầu Mẫu Sơn - cầu Sen, cầu Sen - cầu Già Khê và cầu Mẫu Sơn - Trung đoàn 111; tuyến nối QL31 - ĐT293 đoạn xã Phương Sơn – xã Yên Sơn; ĐT293 kéo dài từ xã Khám Lạng đến xã Nghĩa Phương... Các công trình này góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư và mở ra nhiều không gian mới.
Giai đoạn 2021-2025, Lục Nam phấn đấu ít nhất 100% tuyến quốc lộ, đường huyện, xã và ít nhất 95% đường thôn, 70% ngõ xóm, nội đồng được cứng hóa. |
Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện xác định phát triển đồng bộ cả ba loại hình giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt); cả giao thông đối nội và đối ngoại.
Bảo đảm 100% các tuyến đường huyện với quy mô mặt đường tối thiểu 6m trở lên. Chú trọng đầu tư các tuyến kết nối đối ngoại, kết nối phục vụ công nghiệp, du lịch. Phối hợp với các huyện lân cận thống nhất phương án kết nối, quy mô, thời gian đầu tư các tuyến, bảo đảm phát huy cao hiệu quả đầu tư.
Về giải pháp đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Chủ tịch UBND huyện Đặng Văn Nhàn nhấn mạnh: Trước hết huyện thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch và xây dựng quy hoạch đã được phê duyệt. Quy hoạch và quản lý sử dụng đất dọc hai bên đường phù hợp, hiệu quả.
Đầu tư trọng điểm theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung cho một số công trình quan trọng, có sức lan tỏa, tạo đột phá lớn nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Tập trung cao giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án giao thông lớn, trọng điểm. Làm tốt trình tự thủ tục hồ sơ để triển khai quản lý đầu tư, trong đó chú ý các bước chuẩn bị đầu tư, giám sát, quản lý chất lượng.Tăng cường thu ngân sách, quản lý chi chặt chẽ, cân đối nguồn lực cho phát triển hệ thống hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng. Quản lý, bảo vệ tốt kết cấu hạ tầng giao thông.
Bài, ảnh: Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)