Yên Thế phát triển nông nghiệp bền vững
Yên Thế có điều kiện tự nhiên, sinh thái, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển nông, lâm nghiệp. Diện tích đồi núi thấp chủ yếu được sử dụng để trồng vườn rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm lên đến hơn 13 nghìn ha. Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp huyện được xác định phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cơ cấu chuyển dịch tích cực theo yêu cầu thị trường.
![]() |
Nhiều người dân xã Hồng Kỳ đầu tư chuồng trại, con giống, mở rộng quy mô chăn nuôi dê. |
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật đã từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Các hình thức tổ chức sản xuất có nhiều đổi mới, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã gắn sản xuất với sơ chế, chế biến sản phẩm; duy trì, giữ vững các thương hiệu, nhãn hiệu đã có và xây dựng mới các nhãn hiệu hàng hóa nông sản có chất lượng, tiềm năng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Kết cấu hạ tầng nông nghiệp được quan tâm đầu tư. Kết quả đó đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, đóng góp vào sự ổn định, tăng trưởng kinh tế chung của huyện và cũng là nền tảng để huyện xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025.
Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, Đề án nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên cơ sở phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch hướng tới tiêu chuẩn hữu cơ.
![]() |
Bản Ven, xã Xuân Lương mở rộng diện tích trồng chè. |
Tập trung vào các sản phẩm chủ lực của huyện như: Chè, vải thiều, nhãn, dược liệu, trâu, bò, dê, gà, ong và rừng kinh tế. Khuyến khích các hình thức hợp tác, tập trung ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất nông sản có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trên cơ sở phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, các trang trại có sự hợp tác, liên kết sản xuất chặt chẽ theo chuỗi giá trị.
Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, đối với cây vải thiều và nhãn, diện tích đến năm 2025 khoảng 2.600 ha; vùng sản xuất thâm canh cao đạt tiêu chuẩn VietGAP từ 500 - 700 ha. Tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các giống nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng vùng sản xuất bưởi tập trung với tổng diện tích 550 - 600 ha, trong đó sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 250 ha. Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ; đến năm 2025, tổng diện tích chè ổn định 500 - 550 ha, trong đó sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt từ 200 - 250 ha…
![]() |
Sản phẩm Gà đồi Yên Thế được thị trường tiêu thụ mạnh. |
Đối với chăn nuôi, tổng đàn gia cầm đến năm 2025 từ 4 - 4,3 triệu con, trong đó đàn gà 3,8 - 4 triệu con; xây dựng vùng chăn nuôi gà đồi an toàn dịch bệnh. Chăn nuôi gia súc lớn gồm trâu, bò, ngựa phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y gắn với hình thành các hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ. Phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn gia súc lớn đạt 10.000 - 12.000 con. Chăn nuôi lợn ổn định quy mô tổng đàn từ 90.000 - 100.000 con/năm. Ngoài ra, huyện tập trung phát triển đàn dê, hươu và ong.
Lĩnh vực lâm nghiệp duy trì tổng diện tích rừng kinh tế đạt hơn 14.000 ha; đẩy mạnh trồng rừng thâm canh, rừng trồng ứng dụng công nghệ cao; mở rộng diện tích rừng trồng thâm canh gỗ lớn, phấn đấu đến năm 2025, diện tích rừng gỗ lớn đạt 2.500 ha, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 2.500 ha.
![]() |
Cánh rừng trồng cây gỗ lớn tại xã Đồng Hưu. |
Trao đổi với Bí thư Huyện ủy Đào Duy Trọng được biết, kết quả bước đầu khả quan là động lực để huyện tiếp tục kiên trì thực hiện Đề án, trong năm tới, Yên Thế sẽ tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý của chính quyền, huy động sự tham gia của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội vào việc phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững; tăng cường quản lý nhà nước về nông, lâm nghiệp, thủy sản; thực hiện tốt định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trên địa bàn.
Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ưu tiên hỗ trợ công nghệ bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm; công nghệ về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; cải tạo, thâm canh diện tích cây ăn quả...
Năm 2021, huyện tập trung xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Newcastle đối với gà trên địa bàn, nhân rộng các mô hình sản xuất các loại cây con hàng hóa chủ lực có hiệu quả. Hiện tổng đàn gia cầm đạt 3,9 triệu con, đàn gia súc lớn ước đạt 10.000 con, lợn 70.000 con, dê 9.500 con; sản lượng khai thác thuỷ sản đạt 6.300 tấn… Đồng thời duy trì diện tích gieo trồng cây hằng năm hơn 11 nghìn ha, cây ăn quả hơn 4.700 ha; sản lượng quả tươi đạt hơn 24.000 tấn; sản lượng chè búp tươi đạt 4.600 tấn; đặc biệt có 12 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. |
Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tạo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp; đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; hợp tác giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó hợp tác xã, doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt, nhất là tại những vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực của huyện.
Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông, lâm sản, thu hút và khuyến khích phát triển các cơ sở bảo quản, chế biến công nghệ cao theo quy hoạch kết hợp với các biện pháp tổ chức tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành nông, lâm nghiệp.
Tạo điều kiện thu hút các dự án sản xuất, chế biến nông sản hướng đến xuất khẩu gắn với vùng nguyên liệu như: Chế biến gỗ, gà đồi và các nông sản chủ lực, đặc trưng của huyện.
Tập trung tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại nông sản hàng hóa; xây dựng các điểm giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện gắn với các điểm di tích và vùng sản xuất tập trung. Tăng cường hỗ trợ đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ sản phẩm, nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc. Quy hoạch vùng, tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)