Yên Thế khai thác tiềm năng phát triển dược liệu
Trong khu vườn rộng gần một ha quanh nhà ông Phạm Văn Thiện, thôn Tân Gia (xã Tân Hiệp) chỗ nào cũng có cây thuốc, nhiều nhất là cà gai leo, xạ đen, đinh lăng… Trò chuyện với chúng tôi, ông Thiện nói: “Tôi vốn có nghề thuốc gia truyền, trước đây học được một số bài thuốc chữa bệnh của đồng bào dân tộc. Trong quá trình công tác, tôi đã lặng lẽ ấp ủ ý tưởng sưu tầm, trồng các loại dược liệu để chăm sóc sức khỏe cho người dân, bà con bằng những cây thuốc quen thuộc. Năm 2015, sau khi nghỉ hưu (ông Thiện nguyên là Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp- PV), tôi tập trung thời gian, sức lực, đầu tư kinh phí để thực hiện dự định này”.
![]() |
Ông Phạm Văn Thiện (trái), thôn Tân Gia (xã Tân Hiệp) giới thiệu vườn cây xạ đen làm nguồn nguyên liệu cho HTX dược liệu Thiện Tâm Yên Thế. |
Ban đầu, gia đình ông Thiện chỉ trồng, thu mua, sơ chế một số dược liệu phổ biến, sau đó nhận thấy cần nâng cao chất lượng sản phẩm nên quyết định xây dựng nhà xưởng, mua sắm dây chuyền chiết xuất thảo dược thành cao trị giá hơn một tỷ đồng. Hướng đi này được khách hàng đón nhận, sản lượng ngày càng tăng, tuy nhiên quy mô còn nhỏ lẻ, thiếu tính pháp nhân, chưa huy động được sự tham gia của nhân dân địa phương. Qua tìm hiểu các mô hình khác, năm 2019 ông Thiện thành lập Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Thiện Tâm Yên Thế do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc với sự tham gia của 15 thành viên chính thức và 20 hộ gia đình liên kết, vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng.
HTX đã tạo ra vùng nguyên liệu trồng dược liệu lên gần 20 ha theo đúng yêu cầu về chất lượng dược tính, an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời quy tụ được những người có kiến thức, kinh nghiệm về đông y; có phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng, nâng cao trách nhiệm, tổ chức chặt chẽ. Hiện sản phẩm của HTX đã vươn đến hầu khắp các tỉnh, TP trong nước, trong đó có nhiều loại đạt tiêu chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao; cao đinh lăng, cà gai leo, xạ đen, sâm cau đen… được khách hàng đánh giá cao, gần đây có thêm cao lá sen, trà cánh sen độc đáo. Sản lượng mỗi năm của HTX đạt 300 - 400 kg cao dược liệu các loại, doanh thu hơn một tỷ đồng, thu nhập từ dược liệu của các lao động khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Tìm hiểu được biết, trên địa bàn huyện Yên Thế có một số vùng trồng dược liệu tại các xã: Đồng Tâm, Đồng Kỳ, Đồng Lạc, Tân Sỏi, Tân Hiệp, Hương Vĩ… tuy nhiên quy mô nhỏ, rải rác. Mặt khác, số lượng cơ sở thu mua, chế biến dược liệu còn ít, chưa phản ánh đúng tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, nằm trong định hướng chung phát triển nông nghiệp bền vững, huyện ưu tiên nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm dược liệu trên cơ sở xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sạch, theo tiêu chuẩn hữu cơ. Khuyến khích các hình thức hợp tác, tập trung ruộng đất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất như doanh nghiệp, HTX, trang trại với sự liên kết sản xuất chặt chẽ, theo chuỗi giá trị.
Huyện có chính sách hỗ trợ các HTX thành lập mới về pháp lý, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, bao bì, tem nhãn sản phẩm; hướng dẫn khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin; giúp giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường… với mức ban đầu 30 triệu đồng/HTX. Riêng năm 2021, huyện cấp hơn 150 triệu đồng để xây dựng 3 mô hình trồng, sản xuất dược liệu.
![]() |
Các sản phẩm chủ yếu của HTX Dược liệu Thiện Tâm Yên Thế. |
Mô hình trồng sâm nam của gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa ở thôn Trại Đảng, xã Đồng Kỳ là một điển hình tích tụ đất, mở rộng sản xuất. Trực tiếp đến thăm vườn sâm của ông mới thấy sự tâm huyết, đầu tư bài bản, khoa học. Trên diện tích hơn một ha mua lại từ một số hộ khác, ông xây dựng thành từng khu vực riêng có hệ thống tưới, tiêu nước chủ động, đất được cải tạo đúng yêu cầu, xử lý mầm bệnh do vậy mới chỉ trồng từ tháng 3/2021 đến nay nhưng hơn 10 nghìn cây sâm đang lên xanh tốt. Ông Nghĩa nói: “Trước khi trồng loại dược liệu cao cấp này, tôi có ký hợp đồng với doanh nghiệp thu mua, khi thu hoạch sẽ bán củ sâm có đường kính thân từ 2 cm trở lên với giá 600 nghìn đồng/kg tại vườn. Hiện hoa sâm tươi bán 70 nghìn đồng/kg, lá sâm 40 nghìn đồng/kg”.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Trong giai đoạn 2021- 2025, huyện tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất dược liệu nhằm phát huy lợi thế diện tích tán rừng lớn và những vùng trồng cây nông nghiệp khác đạt hiệu quả thấp. Hình thành những vùng dược liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên để phục vụ sơ chế, chế biến. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ có hơn 50 ha vùng trồng dược liệu tập trung”.
Ý kiến bạn đọc (0)