Yên Dũng: Khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây nứt mặt đê tả Cầu Ba Tổng
Vừa qua, mặt đê tả Cầu Ba Tổng, đoạn qua địa phận xã Yên Lư bị nứt, ảnh hưởng đến đi lại của nhân dân và an toàn đê.
![]() |
Khu vực đê bị nứt, đoạn qua thôn Thành Long. |
Sau khi nhận được thông tin và kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng yêu cầu các phòng: Kinh tế và Hạ tầng, Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND xã Yên Lư xác định, đánh giá chất lượng công trình cứng hoá đường liên thôn Thạch Xá đi Đa Thịnh (cùng xã Yên Lư); hoạt động của xe chở vật liệu trên tuyến đê cũng như mức độ ảnh hưởng của khai thác cát lòng sông tại khu vực trên.
Qua kiểm tra, cơ quan chuyên môn của huyện xác định, tuyến đê qua địa bàn xã xuất hiện những đoạn nứt dọc mặt đê với vết nứt trung bình từ 0,5 đến 3 cm. Cụ thể, tại thôn Thạch Xá xuất hiện hai đoạn nứt với chiều dài 250 m; tại thôn Thành Long xuất hiện một đoạn nứt dài 475 m.
![]() |
Vết nứt có chiều rộng trung bình từ 0,5 đến 3 cm. |
Đối với chất lượng công trình cứng hoá đường giao thông, Phòng Kinh tế và Hạ tầng xác định, do đoạn đê này được đắp thủ công theo kiểu bát úp, không được lu lèn theo từng lớp và đã qua nhiều lần tu bổ nên thân đê, nền đê yếu, không ổn định, dễ bị lún.
Cùng đó, đầu năm 2019, khi thực hiện cứng hoá tuyến đê này theo chương trình hỗ trợ xi măng của tỉnh, do kinh phí hạn chế, UBND xã Yên Lư lựa chọn quy mô đầu tư kết cấu nền, mặt đường theo hướng tiết kiệm, tận dụng mặt đường đê cũ, chỉ san gạt tạo phẳng trước khi đổ bê tông (bê tông xi măng mác 250, dày 25 cm) mà chưa xử lý triệt để phần nền đất yếu.
Đối với tác động của hoạt động vận tải, đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết, sau khi địa phương hoàn thành cứng hoá mặt đê, năm 2019, cơ quan chức năng đã tiến hành thay biển báo hạn chế tải trọng được phép đi trên đê từ 10 tấn lên 12 tấn theo quy định. Công an huyện cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát trên tuyến đê này, qua đó phát hiện, xử lý 26 trường hợp vi phạm về tải trọng.
Về tác động từ hoạt động của Công ty cổ phần Gạch Trường Sơn Bắc Giang, tổ công tác Phòng Tài nguyên và Môi trường xác định, vị trí khai thác của Công ty có khoảng cách từ điểm gần nhất đến chân đê là 130 m (bảo đảm theo quy định); khu vực chân đê, hành lang bảo vệ đê và khu vực đất bãi giáp mặt nước không có hiện tượng nứt, sụt lún và sạt lở đất.
“Hiện chúng tôi đang giao cơ quan chuyên môn tổng hợp báo cáo của các đơn vị để phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh làm rõ nguyên nhân gây nứt mặt đê, đề xuất giải pháp xử lý. Trước mắt, UBND huyện giao cho các phòng, đơn vị chuyên môn, UBND xã Yên Lư tiếp tục theo dõi diễn biến, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp xe vượt quá tải trọng đi trên đê, đồng thời điều chỉnh, bổ sung các biển báo hạn chế tải trọng cho phù hợp”, ông Nguyễn Văn Thưởng nói.
Tin, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)