Khẩn cấp xử lý sự cố sạt trượt chân, mái kè tại đê hữu Thương và đê tả Thương
Theo đó, sự cố sạt trượt, mái kè khu vực đò Mom (đoạn từ K14+550 - K14+700), đê hữu Thương hiện cung sạt dài trên 50 m, đỉnh cung sạt ăn sâu vào chân, mái kè từ 3,6 - 5,0 m, tạo vách đứng từ 0,5 m - 1,0 m, điểm gần nhất cách chân đê phía sông 11,2 m có xu hướng tiếp tục phát triển.
Sự cố sạt trượt chân kè Miếu Cụ khu vực K18+624 - K19+104 đê tả Thương, hiện tượng sạt trượt tại nhiều vị trí khác nhau có xu hướng tiếp tục phát triển. Trong đó, vị trí 1 khu vực từ K18+820, chiều dài cung sạt 2,5 m, cung sạt ăn sâu vào phần đất đắp dưới chân kè 1,0 m và cách chân kè 1,8 m. Cao trình đỉnh cung sạt +2,0 thấp hơn chân kè 0,5 m, cung sạt trượt sâu xuống từ 0,2 - 1,0 m.
Vị trí 2 cách vị trí 1 là 10 m về phía hạ lưu; chiều dài cung sạt 10 m, cung sạt ăn sâu vào phần đất đắp dưới chân kè 0,8 m và cách chân kè 2,1 m. Cao trình đỉnh cung sạt +2,0 thấp hơn chân kè 0,5 m, cung sạt trượt sâu xuống từ 0,3 - 1,0 m.
Diễn biến sạt lở nguy hiểm, uy hiếp an toàn tuyến kè khu vực đò Mom và tuyến kè Miếu Cụ. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần chỉ đạo các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố công trình gây ra.
UBND các huyện Tân Yên, Yên Dũng cần thực hiện ngay cắm biển cảnh báo các khu vực sạt trượt mái, chân kè. Tổ chức phát quang, cắm cọc tiêu, mốc để quan trắc, lập sổ theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt trượt. Cử lực lượng theo dõi sự cố, báo cáo thường xuyên về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện để chủ động xử lý khi diễn biến sự cố tiếp tục diễn biến uy hiếp đến an toàn đê.
Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức ngay việc khoanh vùng phạm vi có nguy cơ sạt lở, thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình diễn biến sạt lở và tiến độ khắc phục sự cố.
![]() |
Khu vực xảy ra sự cố sạt trượt chân, mái kè khu vực đò Mom (đoạn từ K14+550-K14+700) đê hữu Thương, huyện Tân Yên ngày 7/4/2022. Ảnh tư liệu. |
Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện Tân Yên, Yên Dũng trong việc theo dõi diễn biến sự cố, tổ chức xử lý giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”.
Xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt trượt chân, mái kè khu vực đò Mom (đoạn từ K14+550 - K14+700) đê hữu Thương, hoàn thành trước ngày 15/6/2022. Xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt trượt kè Miếu Cụ đoạn K18+624 -K19+104 đê tả Thương, hoàn thành trước ngày 30/8/2022.
Các cơ quan truyền thông: Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bắc Giang thông tin, cảnh báo về tình huống khẩn cấp trên để nhân dân biết chủ động phòng tránh.
* Chủ tịch UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 744 công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt trượt mái kè Lãn Chanh 2 đoạn từ K12+800 - K12+993 và sự cố sạt trượt chân đê phía sông đoạn từ K13+639-K13+945 đê hữu Thương, huyện Tân Yên.
Trong đó, sự cố sạt trượt mái kè Lãn Chanh 2 đoạn từ K12+800 - K12+993 có cung sạt dài 45 m, rộng từ 4,5 m đến 5,5 m, vách trượt từ đỉnh cung sạt xuống mép nước cao 2,5 m; điểm gần nhất cách chân đê phía sông 5,0m có xu hướng tiếp tục phát triển.
Sự cố sạt trượt chân đê phía sông đoạn từ K13+639 - K13+945 đê hữu Thương, huyện Tân Yên; xuất hiện 3 cung sạt: cung số 1 (từ K13+639 - K13+714) dài 75m rộng 6,0 m cách mép mặt đê phía sông 11,9m; cung số 2 (từ K13+ 800 - K13+840) dài 40 m rộng 6,0 m cách mép mặt đê phía sông 13,5 m; cung số 3 (từ K13+940 - K13+945) dài 40 m rộng 4,0 m, cách mép mặt đê phía sông 14,6 m có xu hướng tiếp tục phát triển. Diễn biến sạt lở rất nguy hiểm, uy hiếp an toàn tuyến đê hữu Thương huyện Tân Yên. Hộ chân hạn chế sạt lở hoàn thành trước ngày 15/6/2022; gia cố mái hoàn thành trước ngày 30/8/2022.
TS
Ý kiến bạn đọc (0)