Xuất khẩu vải thiều và tư duy hội nhập
Thứ 3: 13:38 ngày 15/07/2014
(BGĐT) - Một hội thảo khoa học mới được tổ chức tại TP Bắc Giang xoay quanh chủ đề giới thiệu giải pháp công nghệ cho sản xuất và bảo quản vải thiều Bắc Giang đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nhất là những thị trường “khó tính”; tránh tình trạng gửi trứng vào một giỏ vì tính thất thường và rủi ro cao của “chiếc giỏ” - thị trường Trung Quốc.
Ngay cả thị trường trong nước vốn giải quyết đáng kể đầu ra cho quả vải thiều thì không phải vụ nào cũng đều thuận lợi. Còn theo thông tin từ một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vải thiều trên địa bàn tỉnh thì mỗi vụ họ cũng chỉ xuất được vài chục tấn (quy tươi). Xuất được mấy công- te- nơ, kiếm chút lời, hết vụ là thôi. Bạn hàng có nhu cầu nhiều hơn song họ không đáp ứng được vì nguồn lực hạn chế (từ kho bãi bảo quản đến nhân lực, mỗi lô hàng xuất đi họ phải thuê tới mấy trăm lao động thủ công thực hiện các khâu công việc). Vải thiều cần đi những bước xa hơn.
Có nhiều giải pháp công nghệ bảo quản vải thiều tươi được giới thiệu. Mỗi giải pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm. Lựa chọn giải pháp nào thì chúng ta cũng phải trả lời được những câu hỏi đó là vải thiều Bắc Giang định hướng tới thị trường nào? Thị trường đó đòi hỏi những tiêu chuẩn gì về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm? Sản phẩm vải thiều hiện đã thoả mãn được những tiêu chí nào, tiêu chí nào cần đầu tư để đáp ứng? Thị hiếu của người tiêu dùng ở thị trường mới là gì? Bao bì đóng gói, thời gian cung cấp và lưu trữ sản phẩm? Phương thức nào vận chuyển vải thiều đến thị trường tiêu thụ, thời gian vận chuyển là bao lâu? Thời gian tối đa có thể bảo quản vải thiều? Giá cả?
Như vậy, xem ra để vải thiều Bắc Giang đến được thị trường có tiềm năng hơn, mang lại lợi ích cho người trồng vải nhiều hơn thì còn rất nhiều việc phải làm như một nhà khoa học đã khuyến cáo. Nếu xuất khẩu vải thiều ra thị trường thế giới, ta hầu như không có đối thủ cạnh tranh. Đây là một lợi thế quan trọng. Vấn đề còn lại ở chỗ chính chúng ta có làm ra được sản phẩm đạt tiêu chuẩn được chấp nhận hay không mà thôi.
Và để đưa được vải thiều ra thị trường xa hơn, rộng hơn, trước hết cần giúp cho người làm vườn có tư duy hội nhập để chủ động sản xuất ra những sản phẩm có đủ khả năng… hội nhập. Vẫn là vấn đề không mới, không thể chậm trễ hơn được nữa đối với người làm vườn, người kinh doanh, nhà quản lý và những người làm công tác khoa học, thương mại tỉnh nhà.
Mỹ Bình
Chủ đề:
Ý kiến bạn đọc (0)