Vua Bà xanh những cánh rừng
Thoát nghèo nhờ rừng
Vào những ngày tháng 8, chúng tôi có dịp trở lại bản Vua Bà đúng hôm trời mưa to do ảnh hưởng của cơn bão số 2. Dòng suối chạy uốn lượn theo đường nhánh 293 vắt qua bản Vua Bà đỏ ngầu bởi những con nước đang chảy xiết. Bà Triệu Thị Tuyên, Trưởng bản cho biết, hôm nay, hầu hết người dân trong bản đều lên rừng để chăm sóc cây khi mưa xuống.
![]() |
Một góc rừng kinh tế ở bản Vua Bà, xã Trường Sơn (Lục Nam). |
Theo chân Trưởng bản Tuyên, chúng tôi đi xuyên qua những rừng cây đang lên xanh tốt. Chỗ thì cây sắp cho thu hoạch, cao 5-6 mét; chỗ thì cây mới trồng được 4-5 tháng nhưng đã vươn cao quá đầu người. Tất cả đều được trồng thẳng hàng, trông thật thích mắt.
Trò chuyện với người dân trong bản, được biết, toàn bộ diện tích rừng kinh tế ở đây đều được trồng bằng giống mới, bón nhiều phân nên cây lớn rất nhanh. Nếu như trước đây, chu kỳ kinh doanh rừng trồng thường kéo dài từ 5-7 năm mới cho thu hoạch, thì nay chỉ 3-4 năm là được bán. Trong khi đó, cây lại không bị chết rút, bán được giá hơn, các doanh nghiệp chế biến gỗ cũng rất thích mua.
Bản Vua Bà hiện có 119 hộ, chủ yếu là người dân tộc Dao. Hầu hết các gia đình ở đây đều có đất rừng, nhà ít thì 4-5 ha, nhà nhiều lên đến vài chục ha, trở thành bản có diện tích rừng lớn nhất xã Trường Sơn này.
Buổi trưa, khi bầu trời quang đãng, cũng là lúc người dân bản Vua Bà trở về nhà sau buổi sáng lao động tích cực. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Tô Văn Lâm, một trong những hộ vừa xây được ngôi nhà mới khang trang trị giá 800 triệu đồng. Trước đây, gia đình anh Lâm thuộc diện nghèo nhất bản bởi bố mẹ anh đều mất sớm. “Bố mẹ tôi sinh được 5 anh em, tôi là thứ ba. Khi tôi lên 6 tuổi thì bố mất, năm 17 tuổi mẹ lại mất. Mấy anh chị em tự nuôi nhau, cơ cực lắm. Cũng may nhờ có rừng mà gia đình tôi được như ngày nay”, anh Lâm kể.
Hiện gia đình anh Lâm có hơn 10 ha rừng kinh tế trồng bạch đàn giống mới. Nhờ chịu khó chăm sóc, năm trước, gia đình anh thu hoạch hơn 4 ha rừng, bán được gần 500 triệu đồng; còn khoảng 6 ha rừng nữa, sang năm tiếp tục được thu hoạch, ước giá trị gần 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, gia đình anh còn nuôi 40 con dê và 20 con bò lấy thịt, mỗi năm thu về gần 100 triệu đồng.
Thực tế, không chỉ gia đình anh Lâm mà nhiều gia đình khác ở đây cũng có nguồn thu lớn từ rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm, ví như hộ các ông: Lê Văn Quyền, Lê Văn Đẳng, Đặng Văn Toàn, Triệu Văn Hạnh, Triệu Xuân Thể... Ngay như chính gia đình Trưởng bản Tuyên, năm vừa qua cũng thu được hơn 1 tỷ đồng từ rừng. Bà Triệu Thị Tuyên khẳng định: “Với đà này, sang năm cả bản chắc chỉ còn vài ba hộ nghèo, số hộ giàu sẽ tăng lên”.
Đổi thay nhanh chóng
Vua Bà là bản thuộc vùng sâu, xa nhất của xã Trường Sơn, nằm giáp ranh với tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm xã gần 20 km. Hiện không ai trong bản còn nhớ bản mình có từ bao giờ, chỉ biết qua những câu chuyện truyền miệng rằng: Xưa kia, có một người vợ của vua Trần trong một lần du ngoạn lên Yên Tử, khi đi qua đây thấy phong cảnh đẹp thì dừng chân chiêm ngưỡng. Bà đã truyền dạy cho dân bản cách cấy lúa, trồng ngô, dệt vải… và cái tên bản Vua Bà cũng hình thành từ đó.
![]() |
Đường vào bản Vua Bà. |
Tuy nhiên, do bản nằm ở nơi heo hút, xung quanh là núi cao, chỉ có một con đường độc đạo nhỏ hẹp, đi lại khó khăn nên đời sống của người dân trong bản vẫn quanh năm nghèo đói. Cách đây 7-8 năm, người dân trong bản muốn đi ra trung tâm xã cũng phải mất gần cả buổi mới tới nơi.
Đất đai nhiều nhưng lại không biết cách trồng rừng kinh tế, chăn nuôi trâu bò nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám. Kể từ khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho dân, nhất là khi tuyến đường chạy qua bản được đầu tư mở rộng, đổ bê tông kiên cố, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong bản được khởi sắc rõ rệt.
Dạo bước trên con đường bê tông phẳng phiu men theo những nếp nhà mới xây bên sườn đồi, chúng tôi có dịp ngắm toàn cảnh bản Vua Bà sau cơn mưa rừng vừa dứt. Xung quanh bản Vua Bà được bao bọc bởi những dãy núi bạt ngàn cây bạch đàn xanh tốt, tạo nên cảnh thanh bình, trù phú.
Gặp chúng tôi ngay lối rẽ vào nhà, bà Triệu Thị Phương, dân tộc Dao tâm sự: “Bản Vua Bà khác xưa nhiều lắm. Tất cả các tuyến đường trong bản đều được đổ bê tông, tạo thuận lợi cho người dân đi lại”. Tìm hiểu được biết, năm 2018- 2019, được sự hỗ trợ của tỉnh, xã cho xi-măng làm đường giao thông nông thôn, người dân bản Vua Bà đã tự nguyện hiến đất, rồi đóng góp thêm ngày công, kinh phí để làm đường bê tông rộng dài hơn.
Nhờ nguồn thu mang lại từ rừng, gần 60% gia đình ở bản đã xây dựng được nhà mới kiên cố; hơn 20 hộ mua được xe ô tô con, ô tô tải; nhiều gia đình còn mạnh dạn đầu tư mở xưởng bóc gỗ, chế biến gỗ, làm tăng giá trị kinh tế từ rừng... Con em trong bản được cắp sách đến trường, không có tình trạng bỏ học giữa chừng như trước. Bản Vua Bà nhiều năm đạt danh hiệu làng văn hóa.
Chia tay bản Vua Bà khi những làn khói lam chiều vương trên cánh rừng xanh ngắt, trong tôi thấy vui vui về một bản làng nơi vùng sâu, xa sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)