Việt Yên: Nỗ lực đưa nước sạch đến với người dân
Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch tăng nhanh
Dù nằm giữa sông Cầu và sông Thương nhưng từ năm 2021 trở về trước, hầu hết người dân trong huyện Việt Yên lại chỉ dùng nước ngầm trong sinh hoạt hằng ngày. Sở dĩ có điều này là do công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức sử dụng nước sạch và quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng nước sạch chưa được quan tâm đúng mức.
![]() |
Bể phản ứng lắng tại Nhà máy nước sạch Việt Yên. |
Trước thực trạng đó, Huyện ủy Việt Yên đã ban hành Chỉ thị 13 và các kế hoạch của UBND huyện để thực hiện chỉ thị này. Huyện đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân số được cấp nước sạch khu vực nội thị (9 xã, thị trấn định hướng trở thành phường, bao gồm các xã: Hồng Thái, Tăng Tiến, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu, Tự Lạn và các thị trấn Bích Động, Nếnh) đạt tối thiểu 95%; khu vực ngoại thị (các xã còn lại) đạt tối thiểu 80%; xoá “vùng trắng” nước sạch tại các xã: Tiên Sơn, Trung Sơn, Hương Mai, Minh Đức và Thượng Lan. Đồng thời thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động Nhà máy nước sạch tại xã Tiên Sơn trong năm 2023; cơ bản hoàn thành đầu tư, cải tạo nâng công suất các nhà máy nước sạch hiện có, các trạm bơm tăng áp và hệ thống đường ống cấp nước theo quy hoạch.
Hiện tại, huyện Việt Yên được cấp nước sạch từ 3 nguồn chính, tổng công suất 87 nghìn m3/ngày đêm. |
Theo Phòng Quản lý đô thị huyện, sau gần 2 năm tích cực triển khai thực hiện, đến nay Việt Yên có 15/17 xã, thị trấn được cung cấp nước sạch. Số hộ dân được cung cấp nước sạch sinh hoạt tại các xã, thị trấn khu vực nội thị đạt khoảng 91,5% (tăng 41% so với đầu năm 2021), khu vực nông thôn đạt 67% (tăng hơn 57% so với đầu năm 2021). Dự kiến, toàn bộ xã Minh Đức và Thượng Lan sẽ được cấp nước sạch vào cuối năm nay.
Tìm hiểu tại hộ ông Nguyễn Văn Sơn, tổ dân phố Vàng, thị trấn Bích Động, một trong hàng nghìn hộ mới được sử dụng nước sạch tại Việt Yên. Ông Sơn chia sẻ, năm 2021, gia đình ông đầu tư 4,5 triệu đồng để đấu nối với hệ thống nước sạch do Công ty cổ phần Cấp nước và Môi trường đô thị 206 lắp đặt. Gia đình mở dịch vụ nấu cỗ, cơm đặt, vì thế việc được sử dụng nguồn nước sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khiến ông yên tâm hơn. “Bình quân mỗi tháng nhà tôi dùng hết khoảng 40 m3 nước sạch, chi phí khoảng 300 nghìn đồng. Từ khi dùng nước sạch không còn hiện tượng các vật dụng chứa nước bị ố vàng. Mọi người cũng yên tâm hơn vì không lo nước bị ô nhiễm. Nay nước ngầm chủ yếu dùng để tưới cây”, ông Sơn nói.
Khi sử dụng nguồn nước không an toàn, con người có nguy cơ mắc phải một số bệnh như: Viêm ruột, tả, thương hàn, lỵ trực khuẩn, Amip và nhiễm giun sán. Ngoài những bệnh do vi rút, vi khuẩn thì các chất phóng xạ, chất hóa học (thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, chất diệt côn trùng…) hay kim loại nặng (Asen, Amoni, chì, thủy ngân…) tồn dư trong nước cũng là nguyên nhân gây nên nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Tích cực khuyến cáo người dân sử dụng nước sạch
Trong khi đa số các hộ dân trên địa bàn huyện mong muốn được sử dụng nước sạch, cấp ủy và chính quyền địa phương đang nỗ lực xoá “vùng trắng” nước sạch thì lại có không ít hộ vẫn thờ ơ. Ông Võ Đình Thắng, tổ trưởng tổ dân phố Tự, thị trấn Bích Động cho biết: “Hiện tổ mới có khoảng 90 trên tổng số hơn 250 hộ dân đấu nối ống dẫn và sử dụng nước sạch”.
![]() |
Công nhân Công ty cổ phần Cấp nước và Môi trường đô thị 206 lắp đặt hệ thống cấp nước sinh hoạt đến thôn Lim Sơn, xã Tiên Sơn. |
Tại thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, nơi đứng chân Nhà máy nước sạch Việt Yên nhưng cũng chỉ có 200 trên tổng số 448 hộ trong thôn đấu nối và sử dụng nước sạch. Dù đã đấu nối nhưng rất nhiều hộ vẫn sử dụng nước ngầm là chính. Đơn cử như hộ ông Đoàn Văn Toan đấu nối với nguồn nước sạch từ tháng 1/2022 nhưng đến nay gia đình ông mới sử dụng hơn 11 m3 nước.
Được biết, nguyên nhân chính vẫn còn nhiều hộ không sử dụng nước sạch là do chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của nguồn nước sạch đối với sức khỏe con người. Hầu hết các hộ cho rằng giá đấu nối nước sạch trên địa bàn huyện vẫn ở mức cao nên không tham gia. Ngoài ra, việc lắp đặt đường ống nước vào các ngõ xóm tại nhiều xã gặp khó khăn vì người dân chưa có nhu cầu nên không phối hợp trong giải phóng mặt bằng, thi công.
Khắc phục tình trạng trên, vừa qua, UBND huyện Việt Yên ban hành kế hoạch về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 13. Qua đó, tiếp tục quán triệt và triển khai sâu rộng Chỉ thị 13 và các nội dung liên quan đến các chi bộ trong Đảng bộ huyện, đến từng cơ quan, đơn vị, thôn, tổ dân phố để thống nhất nhận thức và thực hiện.
Ông Trần Mạnh Xâm, Trưởng Phòng Quản lý đô thị Việt Yên thông tin, cùng với đề nghị các doanh nghiệp (DN) cung ứng nước sạch nâng cao công suất, chất lượng nước đầu vào, thời gian tới, huyện Việt Yên yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với các DN cung ứng nước sạch và UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, kêu gọi nhân dân sử dụng nước sạch. Huyện tiếp tục hoàn thiện cơ chế, tháo gỡ vướng mắc để huy động các nguồn lực, ưu tiên đầu tư công trình cấp nước nhằm cung ứng đầy đủ, liên tục và bảo đảm chất lượng nguồn nước sạch cho người dân. Yêu cầu các DN cấp nước thống nhất về chi phí lắp đặt hạ tầng mà người dân phải nộp khi sử dụng nước.
Bên cạnh đó, huyện Việt Yên cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị và DN liên quan nâng cao trách nhiệm, xác định việc bảo đảm tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch là nhiệm vụ chính trị bắt buộc. Ðồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động cung ứng nước sạch, bảo đảm chất lượng nước an toàn trước khi đến người tiêu dùng; siết chặt quản lý hoạt động khai thác, sử dụng nước ngầm. Các DN cung ứng nước sạch cần nâng cao kinh nghiệm, trình độ tiếp cận thị trường, mở rộng địa bàn; công khai, minh bạch thông tin đầu tư; nâng cao tinh thần hợp tác, chia sẻ quyền lợi để tạo sự tin tưởng, người dân tự nguyện tham gia sử dụng nước sạch.
Bài, ảnh: Đại La
Ý kiến bạn đọc (0)