Ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng giá trị sản phẩm
Nhiều ứng dụng đi vào thực tế
Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh có hơn 300 dự án, đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp tỉnh và cơ sở được nghiên cứu, ứng dụng ở tất cả các lĩnh vực. Qua đánh giá, hầu hết các dự án, đề tài áp dụng đều phát huy hiệu quả. Nổi bật như đề tài “Nghiên cứu giải pháp công nghệ, hiện đại hóa trong công tác quản lý, vận hành hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên địa bàn TP Bắc Giang” được ứng dụng để điều khiển, giám sát hệ thống chiếu sáng công cộng.
![]() |
Khách hàng tham quan khu trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh. |
Qua đó tiết kiệm hơn 30% điện năng tiêu thụ, tương đương 1 tỷ kWh điện/năm; chi phí vận hành, khai thác, bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng này giảm đáng kể. Trong nông nghiệp, tỉnh đã xây dựng 766 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), trong đó hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tạo ra chuỗi giá trị như:
Chăn nuôi gà đồi Yên Thế; chăn nuôi, tiêu thụ lợn sạch Tân Yên; cây ăn quả Lục Ngạn; rau an toàn, ứng dụng CNC ở các huyện: Yên Dũng, Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa… Qua ứng dụng KH&CN đã tác động tích cực vào chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành nhiều sản phẩm chủ lực, đặc trưng và xuất hiện thêm sản phẩm tiềm năng của tỉnh.
Cùng liên kết với các trường đại học, các viện, cơ quan nghiên cứu ở T.Ư, các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước, các DN để chuyển giao tiến bộ KH&CN, nhiều ngành, tổ chức, cá nhân trong tỉnh còn chủ động nghiên cứu, đưa ra nhiều đề tài sát thực tế.
Nổi bật như đề tài “Thực trạng tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Bắc Giang từ năm 2011-2015 và giải pháp phòng ngừa” của nhóm tác giả Ban Nội chính Tỉnh ủy, đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa loại tội phạm này.
Hay như đề tài "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khoa giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang" do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện đã đánh giá thực trạng công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng với hoạt động của ngành thuộc khối khoa giáo từ Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVII. Hiện nay, các nhóm giải pháp được áp dụng nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.
Ưu tiên nguồn lực
Nhận thức rõ vai trò của KH&CN trong thúc đẩy phát triển KT-XH, từ nay đến năm 2025, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí từ ngân sách cho hoạt động này, bảo đảm mức tăng chi đạt 1,5% tổng chi ngân sách. Nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ trong lĩnh vực KH&CN, tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ các DN đổi mới công nghệ, thiết bị, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.
Quan tâm phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ; nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về tạo lập, quản lý, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ. Xác định công nghệ sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng, tỉnh quan tâm ứng dụng trong chọn tạo, nhân giống cây trồng, bảo quản, chế biến nông, lâm sản, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh, đặc thù của tỉnh như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, gạo thơm Yên Dũng, nấm Lạng Giang, lạc Tân Yên, bưởi Hiệp Hòa, mật ong Sơn Động...
Quan tâm ứng dụng công nghệ vật liệu mới tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu, thân thiện môi trường vào sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng, tiến tới ứng dụng vật liệu nano, vật liệu chức năng, vật liệu y sinh và điện tử tiên tiến. Triển khai ứng dụng CNTT trên nền tảng 5G, tập trung vào các lĩnh vực: Bưu chính điện tử, kinh tế số, chính quyền số, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn, camera thông minh...
Đáng chú ý, tỉnh quan tâm xây dựng mô hình đô thị thông minh nhằm ứng dụng rộng rãi CNTT, tạo đột phá trong thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền đô thị. Cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ công ích chất lượng, tạo ra môi trường năng động để DN và người dân được hưởng các dịch vụ thông minh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi để thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế, thúc đẩy KT-XH của tỉnh.
Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
Ý kiến bạn đọc (0)