Tuổi trẻ Bắc Giang lập nghiệp trên quê hương
Phát huy lợi thế địa phương
Năm 2018, Tỉnh đoàn ban hành chương trình "Thanh niên Bắc Giang khởi nghiệp, giai đoạn 2018 - 2022", đồng thời coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ. Hưởng ứng chương trình, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn lập nghiệp, phát triển kinh tế dựa vào thế mạnh của địa phương, vươn lên làm chủ cuộc sống.
![]() |
Anh Dương Trọng Bằng (trái), chủ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp tại xã Thượng Lan (Việt Yên). |
Ví như anh Dương Trọng Bằng (SN 1990), Bí thư Chi đoàn thôn Nguộn, xã Thượng Lan (Việt Yên) hiện là kỹ sư sửa chữa máy của Tập đoàn Kỹ thuật Hồng Hải (KCN Đình Trám). Trong một lần tham quan mô hình sản xuất của thanh niên ở huyện Lục Nam, anh rất hứng thú với trang trại chăn nuôi chim bồ câu Pháp. Năm 2018, anh quyết định đầu tư xây dựng, lắp đặt 150 m2 chuồng trại nuôi chim bồ câu Pháp. Kinh phí xây dựng mô hình là tiền anh tích lũy được và vay 100 triệu đồng lãi suất ưu đãi từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp do Tỉnh đoàn quản lý...
Mặc dù chuẩn bị khá kỹ lưỡng song anh gặp không ít khó khăn. Hai tháng đầu, chim chết nhiều do bệnh nấm, hen, tiêu chảy bởi thời tiết nồm ẩm, thay đổi thất thường. Được người thân động viên, đồng hành, anh Bằng tiếp tục học hỏi kỹ thuật chăn nuôi từ những người đi trước và đã hiểu rõ hơn đặc tính loài. Anh sắm thêm quạt thông gió, lắp đặt mái tôn lạnh chống nóng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cung cấp các chất khoáng nhằm tăng sức đề kháng cho bồ câu. Với 700 đôi bồ câu, đến nay, mỗi năm anh Bằng thu 10 lứa chim thương phẩm, mỗi lứa lãi 10 triệu đồng.
Cũng là một thanh niên, hiện anh Diệp Văn Đoàn (SN 1995), thôn Xẻ Mới, xã Thanh Hải (Lục Ngạn) sở hữu hàng trăm cây bưởi, cam, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng. Năm 2016, anh Đoàn bắt đầu trồng các loại cây có múi. Tham khảo nhiều mô hình cộng với kiến thức học ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp (Bộ Công Thương), phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang), anh đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và một số kỹ thuật mới trong trồng, chăm sóc cam, bưởi. Đến nay, tổng diện tích vườn cây có múi của gia đình anh là 3 ha, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương.
Tạo động lực thi đua
![]() |
Anh Trương Đình Tùng (Lục Nam) nuôi cấy ngọc trai nước ngọt. |
Hiện toàn tỉnh có hơn 330 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi với mức thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên. Nhiều ý tưởng có tính ứng dụng thực tế cao như: Mô hình dẫn giống cây rau bò khai từ rừng về vườn ươm, chăm sóc theo phương pháp hữu cơ, sản xuất rau mầm sạch dựa trên ứng dụng công nghệ cao.
Trước tình hình dịch Covid-19, Tỉnh đoàn tiếp tục đổi mới phương thức triển khai hoạt động hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp thông qua môi trường không gian mạng (tập huấn, tuyên truyền, tư vấn trực tuyến…). Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cộng đồng khởi nghiệp, kêu gọi đầu tư, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm do thanh niên làm ra. |
Nhằm tạo động lực cho thanh niên, các cấp bộ đoàn tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trở thành cầu nối giúp thanh niên tiếp cận việc làm, nguồn vốn ưu đãi. Từ thực tế triển khai công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, các huyện đoàn, thành đoàn có nhiều giải pháp, sáng kiến phù hợp với tình hình địa phương.
Huyện đoàn Hiệp Hòa thành lập CLB Doanh nhân trẻ quy tụ nhiều chủ doanh nghiệp, xưởng sản xuất, kinh doanh; giúp đỡ nhau về vốn, tiếp cận thị trường. Huyện đoàn Lạng Giang, Yên Dũng, Lục Nam phối hợp với Ngân hàng CSXH hỗ trợ thanh niên thực hiện thủ tục vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay, toàn tỉnh có 117 thanh niên, nhóm thanh niên được vay vốn từ chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên Bắc Giang khởi nghiệp và Quỹ quốc gia về việc làm qua kênh T.Ư Đoàn.
5 năm gần đây, Tỉnh đoàn Bắc Giang liên tục tổ chức các cuộc thi về ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thu hút hàng trăm thanh niên tham gia. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động thường xuyên và thời vụ ở địa phương. Theo anh Thân Trung Kiên, Bí thư Tỉnh đoàn, thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đoàn tiếp tục tổ chức các cuộc thi về ý tưởng, sáng kiến khởi nghiệp, cung cấp thông tin, kinh nghiệm, kỹ năng cơ bản thực hiện dự án khởi nghiệp cho thanh niên.
Các cấp bộ đoàn phối hợp với Ngân hàng CSXH quản lý tốt nguồn vốn ủy thác, thành lập, duy trì hiệu quả các câu lạc bộ khởi nghiệp. Đồng thời liên kết các trung tâm đào tạo nghề, doanh nghiệp hỗ trợ, đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, xây dựng lực lượng lao động vững chuyên môn.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)