Trách nhiệm cộng đồng về tiêm chủng
Theo chuyên gia y tế, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Bệnh truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Quá trình lây truyền rất nhanh nếu không có các biện pháp dự phòng hoặc không có sức đề kháng tốt.
Thời gian qua, một số tỉnh Tây Nguyên đã ghi nhận hàng chục trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Qua phân tích y tế cho thấy đa số bệnh nhân là đồng bào dân tộc thiểu số, đều không tiêm hoặc không được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh.
Việc tiêm chủng góp phần phòng bệnh hiệu quả nhưng khi cán bộ y tế đến tận nơi tiêm chủng mà người dân vì nhiều lý do đã không chịu tiêm. Có người nói tiêm xong con sốt, ốm nên sợ đó là thuốc giả, có người do tâm lý, suy nghĩ không đúng về tiêm chủng mở rộng nên từ chối.
Mặc dù đã thực hiện các biện pháp thuyết phục nhưng nhiều nơi người dân không hợp tác, chống đối việc tiêm chủng nên các cán bộ y tế đi cùng địa phương mới lập các “bản cam kết” để có cơ sở báo cáo cấp trên.
Khi báo chí thông tin vấn đề này, nhiều độc giả bày tỏ đồng tình với cách làm như vậy của cán bộ y tế. “Tôi ủng hộ biên bản này. Mỗi người dân hoặc người giám hộ phải tự nhận lấy trách nhiệm về quyết định của mình. Chính quyền chỉ có nghĩa vụ tuyên truyền và vận động người dân tiêm chủng. Không nên đổ thêm gánh nặng cho chính quyền khi bắt họ phải chịu trách nhiệm về việc người dân từ chối quyền lợi của mình” – một độc giả viết.
Còn bạn đọc khác thì nêu ý kiến: Cho người không chịu tiêm chủng làm bản cam kết là đúng vì họ biết và chịu trách nhiệm việc mình làm. Nên yêu cầu họ ghi thêm việc phải trả chi phí khám chữa trị khi mắc bệnh do không chịu tiêm phòng gây ra dù họ có bảo hiểm y tế.
Dịch Covid-19 đang hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới, hiện đã ghi nhận hơn 13,2 triệu người nhiễm bệnh, hơn 574 nghìn người tử vong, cả nhân loại đang mong đợi từng ngày, từng giờ để có vaccine phòng dịch Covid-19.
Nói vậy để thấy loại bệnh truyền nhiễm nào đã có vaccine là vô cùng quý giá cho cuộc sống con người. Vì thế, các cấp, ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm đầy đủ theo quy định; mỗi người, mỗi nhà cần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo đảm việc tiêm chủng theo khuyến cáo của ngành y tế để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và của cộng đồng.
Mới đây, trong công văn chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bạch hầu do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương ký cũng đã nhấn mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân, người thân đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng bệnh đủ mũi và đúng lịch trong các đợt tiêm chủng thường xuyên cũng như đợt tiêm chiến dịch cho trẻ 7 tuổi.
Trần Anh
Ý kiến bạn đọc (0)