Tiêm chủng dịch vụ: Bảo đảm nghiêm ngặt quy trình và chất lượng vắc-xin
24 cơ sở dịch vụ
Nhận thức cao hơn về sức khỏe, người dân tìm đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ ngày càng đông bởi ở đây cung ứng nhiều loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm so với chương trình tiêm chủng mở rộng. Tiện lợi nhất là người dân có thể tiêm tại các cơ sở dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Hiện 10 huyện, thành phố trong tỉnh đều có điểm tiêm dịch vụ. Một số nơi có nhiều điểm tiêm như: TP Bắc Giang, huyện Hiệp Hòa, Lục Nam (đều có 4 điểm tiêm).
![]() |
Kiểm tra vắc-xin tại Trung tâm Y tế huyện Việt Yên. |
Phòng tiêm Safpo (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) luôn là điểm đông nhất tỉnh, mở cửa các ngày trong tuần. Mỗi ngày tại đây có khoảng 300 lượt người đến tiêm, chủ yếu là trẻ em được cha mẹ cho tiêm các mũi vắc-xin ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng như: Phế cầu; 6 trong 1 (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Hib); thủy đậu; cúm mùa; viêm não mô cầu AC, BC; tiêu chảy Rota; vắc-xin HPV phòng ung thư cổ tử cung cho bé gái; vắc-xin phòng bệnh dại.
Qua tìm hiểu được biết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, bố trí nhân lực phục vụ chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, nhiều người phản ánh, một số loại vắc-xin vẫn thường xuyên thiếu dẫn đến nhỡ mũi, bỏ mũi, ảnh hưởng đến hiệu quả phòng bệnh.
Ông Đặng Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông tin: Nguyên nhân do nguồn cung thiếu bởi nhiều nhà sản xuất dừng cung ứng, thay đổi công nghệ, chuyển địa điểm. Một số doanh nghiệp trong nước phân phối độc quyền vắc-xin. Trong khi đơn vị chưa khảo sát kỹ nhu cầu và theo dõi các bệnh nhân đã tiêm nhưng chưa đủ mũi để có phương án phục vụ tốt hơn.
Đến tháng 12-2019, toàn tỉnh có 24 cơ sở công bố đủ điều kiện tiêm chủng dịch vụ. Trong đó có 11 cơ sở y tế công lập và 13 cơ sở y tế ngoài công lập. Từ đầu năm đến nay, các điểm tiêm chủng dịch vụ không ghi nhận trường hợp phản ứng sau tiêm. Các đơn vị đã tiến hành nhập liệu thông tin đối tượng vào hệ thống phần mềm tiêm chủng quốc gia.
Chấn chỉnh đơn vị vi phạm
Đến nay, gần 30 bệnh truyền nhiễm có vắc-xin dự phòng. Tuy nhiên, mới có 12 loại vắc-xin được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí, các bệnh còn lại nếu muốn dự phòng, người dân phải sử dụng vắc-xin dịch vụ.
Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân tăng cao dẫn đến các điểm tiêm chủng dịch vụ thường xuyên khan hiếm vắc-xin. Tình trạng thiếu vắc-xin diễn ra trong thời gian dài ở một số loại như: Cúm dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi; phế cầu; 6 trong 1 nên các cơ sở chỉ cung ứng được số lượng rất ít. Để bảo đảm đủ mũi tiêm, nhiều phụ huynh đặt tiền trước hoặc mua gói tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi, dưới 2 tuổi với đầy đủ các mũi dự phòng bệnh truyền nhiễm.
Thực tế này dẫn đến nhiều cơ sở tăng giá dịch vụ và không thống nhất giá giữa các mũi tiêm. Chờ đợi để tiêm dịch vụ, nhiều em nhỏ đã tiêm không đủ mũi, không đúng lịch, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh, thậm chí mắc bệnh ở giai đoạn chờ đợi.
Những năm trước, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng sử dụng vắc-xin dịch vụ chỉ chiếm khoảng 5% thì nay tăng lên từ 20-25%. Nhiều người lớn cũng đăng ký tiêm vắc-xin dịch vụ để phòng tránh một số bệnh truyền nhiễm. Từ đầu năm đến nay, các điểm tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã tiêm hơn 47 nghìn mũi. |
Theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng thì cơ sở tiêm chủng phải gửi hồ sơ thông báo đủ điều kiện tiêm chủng cho Sở Y tế trước khi hoạt động.
Người đứng đầu cơ sở tự công bố đủ điều kiện tiêm chủng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tự công bố của mình. Sở Y tế sẽ tiến hành hậu kiểm các điều kiện hoạt động của cơ sở tiêm chủng.
Trong quá trình hậu kiểm, Sở Y tế phát hiện đến thời điểm này, toàn tỉnh mới có 10/25 cơ sở tiêm chủng có kho vắc-xin đáp ứng yêu cầu thực hành tốt bảo quản thuốc theo tiêu chuẩn GSP. Trong khi, các cơ sở phải đạt tiêu chuẩn này từ tháng 7-2019. Đa số các cơ sở tiêm chủng chưa bố trí khu trữ vắc-xin riêng biệt mà vẫn để cùng một số loại thuốc khác.
Thậm chí như Phòng khám Đa khoa Tâm Đức (Yên Dũng) chưa có kho bảo quản vắc-xin. Một số nơi chưa bố trí đủ nhân lực để thực hiện quy trình tiêm chủng an toàn. Có đơn vị bố trí 1 cán bộ phụ trách tất cả các khâu từ đón tiếp, hướng dẫn, khám sàng lọc, tiêm và theo dõi sau tiêm như: Trung tâm Y tế TP Bắc Giang, huyện Hiệp Hòa. Trung tâm tiêm chủng số 1 thuộc Công ty cổ phần Y tế công nghệ cao (Việt Yên) bố trí điều dưỡng phụ trách kho vắc-xin trong khi vị trí này yêu cầu dược sĩ.
Khi phát hiện tồn tại, Sở Y tế yêu cầu và gia hạn cho các cơ sở tiêm chủng dịch vụ khắc phục, sửa chữa, sắp xếp, bố trí lại theo đúng quy định để tiếp tục hậu kiểm. Nếu các cơ sở vẫn cố tình vi phạm, Sở sẽ đình chỉ hoạt động. Qua kiểm tra, đến ngày 3-12, các cơ sở đã nghiêm chỉnh tuân thủ các điều kiện hoạt động.
Trong thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục tổ chức kiểm tra việc sử dụng vắc-xin và sinh phẩm y tế dịch vụ trên địa bàn. Yêu cầu các cơ sở thường xuyên rà soát cơ sở vật chất, đánh giá hệ thống dây chuyền lạnh để xây dựng kế hoạch nâng cấp, sửa chữa kho vắc-xin đạt tiêu chuẩn GSP. Ngành y tế tập trung kiểm soát chất lượng cung ứng dịch vụ tại các cơ sở, không để nhân viên y tế hành nghề tiêm vắc-xin dịch vụ trái phép.
Yêu cầu các đơn vị niêm yết giá vắc-xin, công bố công khai số điện thoại để người dân phản ánh. Đồng thời khuyến cáo người dân, vắc-xin dịch vụ và vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều được kiểm định chất lượng chặt chẽ. Người dân nên tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng mở rộng và chỉ nên tiêm dịch vụ đối với các loại vắc-xin không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng để bảo đảm hiệu quả phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi, đúng độ tuổi.
Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)