Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã: Vay đúng, dùng khéo
BẮC GIANG - Những năm qua, Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã (gọi tắt là Quỹ) duy trì hoạt động hiệu quả theo phương châm “vay đúng, dùng khéo”. Qua đó giúp nhiều thành viên, hợp tác xã có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.
Giải ngân vốn cho nhiều dự án
Đầu năm 2025, bà Trần Thị Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất kinh doanh sâm Nam núi Dành, thôn Lãn Tranh 1, xã Liên Chung (Tân Yên) được vay 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Nhờ số tiền vay từ Quỹ và một số nguồn khác, gia đình bà Thanh thuê đất trồng thêm hơn 2 ha sâm Nam núi Dành (nâng tổng diện tích của toàn Hợp tác xã lên hơn 10 ha), đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động, mua phân bón. Diện tích sâm được trồng mới đang sinh trưởng, phát triển tốt.
![]() |
Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi thú cưng Hải Đăng (thị xã Chũ) được vay vốn để phát triển sản xuất. |
Bà Thanh chia sẻ, để đồng vốn sinh sôi, việc duy trì và phát triển sản xuất hiệu quả, bền vững là yếu tố quan trọng. Muốn vậy, Hợp tác xã đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu rộng lớn, ngoài diện tích nêu trên, đơn vị còn duy trì liên kết sản xuất với nhiều hộ ở trong và ngoài tỉnh với tổng diện tích gần 50 ha. Cùng đó quan tâm ứng dụng công nghệ cao, đầu tư chế biến sản phẩm, chủ động tìm kiếm thị trường.
Năm nay, Hợp tác xã đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm với sản phẩm củ sâm Nam núi Dành sấy khô. Trước đó, đơn vị có sản phẩm nụ hoa sâm Nam núi Dành sấy khô đạt OCOP 3 sao. Tính riêng năm 2024, Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ khoảng 6 tấn củ sâm Nam núi Dành, hơn 14 tấn hoa tươi, gần 3 tấn lá cho thị trường trong và ngoài nước; tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức lương 10 triệu đồng/người/tháng.
Mới đây, anh Trần Hải Đăng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi thú cưng Hải Đăng (tổ dân phố Tân Trường, phường Thanh Hải, thị xã Chũ) cũng được vay 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã để phát triển sản xuất. Có thêm nguồn vốn, gia đình anh đầu tư xây dựng 2 chuồng chăn nuôi thú cưng với tổng diện tích 120 m2; lắp đặt hệ thống giàn mát, quạt thông gió, hệ thống đo nhiệt độ. Ước tính năm nay sẽ cung cấp gần 100 vật nuôi cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ công việc này, mỗi tháng, gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định khoảng 20 triệu đồng.
Đó là 2 trong số 11 dự án được vay vốn (tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng) từ Quỹ tính từ đầu năm 2025 đến nay. Một số dự án khác cũng được vay vốn như: Đầu tư phát triển các sản phẩm trà dược liệu và búp khô của Hợp tác xã Hằng Anh (Yên Thế); thu mua nguyên liệu, chế biến nông sản của Hợp tác xã Nông nghiệp Hạnh Phúc (thị xã Việt Yên); sản xuất mỳ Chũ của Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh Tiêu thụ mỳ Trại Lâm xã Nam Dương (thị xã Chũ)... Trong đó, dự án được vay nhiều nhất 500 triệu đồng, ít nhất 200 triệu đồng; thời gian vay 1 năm/dự án, lãi suất 0,46%/tháng. Nguồn vốn này đã trở thành điểm tựa, giúp các hợp tác xã phát triển sản xuất, nhất là những đơn vị khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Được biết năm 2025, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã có tổng nguồn vốn 31,2 tỷ đồng (trong đó, ngân sách tỉnh 30 tỷ đồng, còn lại từ nguồn quỹ bổ sung), nhiều hơn 5 tỷ đồng so với năm 2024. Ban điều hành Quỹ phấn đấu trong năm nay sẽ giải ngân 100% số vốn theo quy định.
Cho vay đúng đối tượng, hiệu quả
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã thành lập Ban điều hành Quỹ; thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý, thẩm định hồ sơ cho cán bộ chuyên môn; hướng dẫn làm thủ tục cho vay nhanh gọn, chính xác. Bà Lê Hồng Vân, Hợp tác xã Hạnh Phúc, phường Tăng Tiến (thị xã Việt Yên) cho biết: “Thủ tục vay vốn khá đơn giản, nhanh chóng. Sau khi hoàn thiện thuyết minh dự án, phương án kinh doanh khả thi, chúng tôi được giải ngân vay vốn 400 triệu đồng trong tháng 1/2025. Hợp tác xã đã sử dụng nguồn vốn để đầu tư mua các loại nông sản phục vụ chế biến, nâng giá trị sản phẩm”.
Mục tiêu từ nay đến năm 2028, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phấn đấu nâng số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60-80% tổng số hợp tác xã thông qua việc hỗ trợ vốn. |
Quá trình rà soát, lựa chọn đối tượng cho vay, Quỹ phân bổ đều ở 10 huyện, thị xã, thành phố; ưu tiên giải ngân trước cho đơn vị hoạt động hiệu quả, các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông sản gắn với các sản phẩm chủ lực, OCOP của tỉnh. Đối với số ít dự án chậm trả nợ lãi, nợ gốc, Ban điều hành Quỹ tập trung theo dõi, lập hồ sơ xử lý nợ quá hạn theo đúng quy trình, bảo đảm nguyên tắc “bảo toàn nguồn vốn”.
Bà Nguyễn Thị Thúy Dung, Giám đốc Quỹ, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết thêm, từ năm 2024 Quỹ bắt đầu thực hiện Điều lệ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2024-2028 được UBND tỉnh phê duyệt với nhiều nội dung mới và thay đổi so với Điều lệ Quỹ trước đây như mục tiêu vốn, sử dụng vốn, một số định hướng phát triển... Nhằm triển khai có hiệu quả công tác cho vay, Ban điều hành Quỹ tích cực tuyên truyền, phổ biến quy định mới cho các hợp tác xã, đơn vị thành viên; phối hợp tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng vay vốn xây dựng, hoàn thiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh.
Thời gian tới, Quỹ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện mô hình quản lý theo hướng hiện đại; đa dạng hóa hình thức cho vay ngắn, trung, dài hạn nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của thành viên, hợp tác xã; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát 100% các dự án vay vốn; giải quyết thủ tục vay nhanh gọn, đúng quy định, đúng đối tượng, có hiệu quả; thu hồi đủ nợ gốc, lãi và phí theo hợp đồng; thực hiện tốt chế độ kế toán, công tác tổng hợp, báo cáo theo quy định của pháp luật hiện hành. Mục tiêu từ nay đến năm 2028 là phấn đấu nâng số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60-80% trong tổng số hợp tác xã thông qua việc hỗ trợ vốn.
Ý kiến bạn đọc (0)