Tổng tiền lương cho ba năm tới tăng 913.000 tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết tổng kinh phí để điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp, quỹ tiền thưởng trong ba năm tới sẽ tăng 913.000 tỷ đồng.
Chiều 25/6, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo Quốc hội về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
|
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày báo cáo, chiều 25/6. |
Chính phủ đề xuất tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng; tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng; bổ sung quỹ tiền thưởng của khu vực công bằng 10% quỹ lương cơ bản. Trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% từ 2,055 lên 2,789 triệu đồng/tháng; chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9% từ 360.000 lên 500.000 đồng/tháng; lương tối thiểu vùng tăng 6%.
Theo Bộ trưởng, đây là mức tăng lương cơ sở cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người lao động, tạo động lực nâng cao năng suất. Việc bổ sung 10% quỹ tiền thưởng giúp các cơ quan có thêm cơ chế khen thưởng; đồng thời có cơ sở hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tổng nhu cầu kinh phí để điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp, quỹ tiền thưởng lũy kế ba năm từ 2024 đến 2026 sẽ tăng thêm 913.000 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, cả nước đã dành được 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá tăng 30% lương cơ sở là nỗ lực đáng ghi nhận trong điều chỉnh tiền lương. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện ổn định, lâu dài, có hiệu quả chính sách tiền lương. Các cơ quan cũng phải tăng cường kiểm soát, quản lý giá và kiềm chế lạm phát khác, bảo đảm chỉ tiêu tăng CPI bình quân 2024 và cả giai đoạn 2021-2026 mà Quốc hội giao.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có cơ chế cấp bù ngân sách khi giá dịch vụ công thiết yếu chưa kịp điều chỉnh so với mức lương mới. Do nhu cầu kinh phí tăng thêm 913.000 tỷ đồng, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ tác động của chính sách đến dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước ba năm tới và bổ sung thông tin đầy đủ về 5 nguồn kinh phí thực hiện chính sách tiền lương tới hết năm 2026.
"Phải quy định và hướng dẫn rõ về kinh phí, đánh giá tác động về ngân sách nhà nước, dự báo nguồn lực và những phát sinh cho những năm tiếp theo sau 2026", bà Thúy Anh nói.
Liên quan quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để các đơn vị có cơ sở triển khai. Người đứng đầu các cơ quan cũng phải xây dựng quy định về chế độ tiền thưởng gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ để tránh trùng lặp với Luật thi đua khen thưởng.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)