Tôn vinh "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động"
Tạo động lực cho DN
Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, ý tưởng này dựa trên Giải thưởng "DN vì NLĐ” do Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức từ năm 2014. Mục đích để tôn vinh những DN tiêu biểu, quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống NLĐ.
![]() |
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu). |
Từ năm 2018, cùng với xây dựng kế hoạch triển khai, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các ban chuyên môn nghiên cứu, ban hành bộ tiêu chí đánh giá, tạo thuận lợi cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở bình xét.
Ngoài các tiêu chí chung (bảo đảm việc làm ổn định, chấp hành nghiêm pháp luật về lao động), để đạt danh hiệu này, các đơn vị phải bảo đảm các tiêu chí cụ thể như: Thu nhập NLĐ tăng; không nợ (chậm) lương, BHXH; không có đình công; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; bảo đảm các khoản phụ cấp; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức công đoàn hoạt động...
Kết quả đến nay, LĐLĐ tỉnh đã bình xét, tôn vinh 281 lượt “DN tiêu biểu vì NLĐ”. Một số công ty đạt danh hiệu từ hai lần trở lên như: TNHH Newwing Interconnect Technology (KCN Vân Trung); TNHH Haem Vina (KCN Song Khê - Nội Hoàng); TNHH Vật tư ngành nước Phú Thịnh (KCN Đình Trám); TNHH Daeyang Hà Nội (Tân Yên); cổ phần Thời trang Hà Thanh (Hiệp Hòa); TNHH Xuất nhập khẩu May Tiến Đạt (Lạng Giang).
Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN, thậm chí có thời điểm công ty phải cắt giảm lao động, bố trí làm việc luân phiên. Ghi nhận thực tế cho thấy, ở những “DN tiêu biểu vì NLĐ”, chủ sử dụng luôn nỗ lực tìm giải pháp tốt nhất để duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi cơ bản cho NLĐ. Từ đó xây dựng mối quan hệ ổn định giữa NLĐ và DN, chung sức vượt qua khó khăn.
Đơn cử như tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu) - chuyên sản xuất linh kiện điện tử, thời điểm giữa tháng 3 năm nay, do số lao động nhiễm Covid-19 tăng cao, DN phải giảm 40% công suất vận hành dây chuyền. Ông Nguyễn Văn Tân, Phụ trách sản xuất, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: Sau gần 14 năm hoạt động, chưa khi nào DN gặp khó khăn như thế.
Để khắc phục, bên cạnh tuyển lao động mới, ban chấp hành công đoàn đề xuất với lãnh đạo DN tổ chức tăng ca từ 2,5-3 giờ/ngày (gấp đôi trước đây) và tăng thêm ca đêm của ngày Chủ nhật; mỗi suất ăn ca được tăng giá trị hỗ trợ từ 19 nghìn đồng lên 21 nghìn đồng/người. Dù vất vả nhưng hầu hết các anh chị em công nhân đều làm việc hết mình, giúp DN giữ được các đơn hàng lâu năm, đứng vững trong giai đoạn khó khăn.
Được biết, Công ty hiện tạo việc làm cho hơn 5,2 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân đạt 9 triệu đồng/người/tháng. Đơn vị đã vinh dự 3 lần đạt danh hiệu “DN tiêu biểu vì NLĐ”.
Chăm lo, nâng cao đời sống NLĐ
Hoạt động từ tháng 10/2018, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu May Tiến Đạt, thôn Hậu, xã Đại Lâm (Lạng Giang) đã hai năm liên tiếp (2020, 2021) được LĐLĐ tỉnh tôn vinh “DN tiêu biểu vì NLĐ". Với xuất phát điểm có 50 lao động, hiện đơn vị đã tạo việc làm cho gần 400 công nhân, chủ yếu là người địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Trường, Phó Giám đốc cho biết: Vừa ổn định sản xuất thì dịch bệnh xảy ra khiến ban giám đốc chịu nhiều áp lực. Nhưng may mắn là hơn 100 lao động khi đó đã nỗ lực sản xuất, bảo đảm tiến độ, chất lượng các hợp đồng đã ký, giúp công ty có lợi nhuận. Bởi vậy, lãnh đạo DN luôn xác định, NLĐ là yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, LĐLĐ tỉnh đã bình xét, tôn vinh 281 lượt “DN tiêu biểu vì NLĐ”. Một số công ty đạt danh hiệu từ hai lần trở lên như: TNHH Newwing Interconnect Technology (KCN Vân Trung); TNHH Haem Vina (KCN Song Khê - Nội Hoàng); TNHH Vật tư ngành nước Phú Thịnh (KCN Đình Trám); TNHH Daeyang Hà Nội (Tân Yên)... |
Hằng quý, qua tổng hợp ý kiến của công nhân, ban giám đốc sẽ xem xét để điều chỉnh, bổ sung nhiều chính sách “trên luật”, tạo động lực để NLĐ làm việc.
Hiện nay, với việc duy trì ổn định các đơn hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, một số nước châu Âu, công nhân công ty có mức thu nhập trung bình từ 8-12 triệu đồng/người/tháng.
Trong đó, ngoài lương cơ bản, hằng tháng, mỗi NLĐ được DN chi trả nhiều khoản phụ cấp như: Chuyên cần (1 triệu đồng); xăng xe (200 nghìn đồng); thưởng chất lượng, ý thức (560 nghìn đồng); thâm niên (từ 100 - 400 nghìn đồng); ăn ca 20 nghìn đồng/suất. Riêng với lao động nữ, mỗi tháng được cộng thêm 30 nghìn đồng vào thu nhập; công nhân mang thai từ 7 tháng trở lên, nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi được hỗ trợ 200 nghìn đồng/tháng và tan ca trước 1 giờ.
Trong tổng số hơn 1 nghìn công nhân thì có gần 90% là nữ nên Công ty TNHH Haem Vina, KCN Song Khê - Nội Hoàng (sản xuất sạc pin điện thoại cung cấp cho Tập đoàn Sam Sung) luôn quan tâm chăm lo, có chế độ ưu đãi riêng với lao động nữ. Cụ thể, công nhân nữ có thai được phát vitamin hằng tháng; người đang thời kỳ nuôi con nhỏ có thể duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ thông qua cabin vắt sữa (đặt tại phòng y tế).
Sau hai giờ làm việc, công nhân được nghỉ giải lao 10 phút (đối với ca ngày) và 20 phút (ca đêm). Chị Nguyễn Thị Lập, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho hay: Cùng với lương, thưởng, chế độ làm việc được bảo đảm, hằng năm, công ty tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tuyên dương công nhân tiêu biểu, hỗ trợ chi phí tổ chức cho NLĐ đi nghỉ mát.
Vào dịp Quốc tế Lao động (1/5) và Tết Nguyên đán, DN dành một phần lợi nhuận tặng quà, chia sẻ với công nhân hoàn cảnh khó khăn. Chị Phan Thị Dung (SN 1987) chia sẻ: “Chồng tôi mất sớm, một mình nuôi hai con nhỏ, một cháu không may bị bệnh tim bẩm sinh, gia đình thiếu thốn đủ bề.
Được ban giám đốc, công đoàn công ty quan tâm, năm nào cũng tặng quà, năm ngoái còn hỗ trợ 15 triệu đồng giúp mẹ con tôi cải tạo ngôi nhà đã xuống cấp, cuộc sống dần ổn định”. Với những chính sách chăm lo thiết thực, 3 năm liên tiếp (2019, 2020, 2021), đơn vị được LĐLĐ tỉnh tôn vinh “DN tiêu biểu vì NLĐ”.
Bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ là mục tiêu quan trọng nhất của tổ chức công đoàn. Nhưng công đoàn không thể thực hiện được mục tiêu này nếu không có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của DN. Việc biểu dương, vinh danh các DN vì NLĐ vừa là sự ghi nhận, động viên nhưng cũng để nhắc nhở DN tiếp tục quan tâm, cải thiện đời sống công nhân.
Thống kê của LĐLĐ tỉnh, toàn tỉnh hiện có 630 công đoàn cơ sở trong DN, mới chiếm hơn 20% DN đủ điều kiện thành lập công đoàn. Vì vậy thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục duy trì chương trình ý nghĩa này, xem đây như một giải pháp vận động, nhằm thu hút DN, NLĐ gia nhập tổ chức.
Theo đó, chỉ đạo 17 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bố trí cán bộ phụ trách công tác phát triển đoàn viên; nắm tình hình phát triển DN, NLĐ trên địa bàn để xây dựng kế hoạch vận động; tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, khẳng định vai trò, củng cố niềm tin với tổ chức công đoàn.
Bài, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)