Tỏa sáng trong thời bình
Ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Bắc Giang cho biết, giai đoạn 2016-2021, các mô hình kinh tế do CCB làm chủ tăng nhanh về số lượng, quy mô so với giai đoạn 2011-2016. Nhiều hội viên mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi từ mô hình kinh tế nhỏ lẻ sang thành lập các mô hình sản xuất với quy mô lớn hơn, phương thức quản lý, quản trị hiện đại, phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao.
![]() |
Cựu chiến binh Hoàng Thị Ngọc, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Dược phẩm Ngọc Đông (TP Bắc Giang) hướng dẫn khách hàng sử dụng thuốc. |
Toàn tỉnh có gần 250 doanh nghiệp nhỏ và vừa do CCB làm chủ, tăng 96 doanh nghiệp; gần 140 hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác do CCB làm chủ, tăng 18 HTX, 30 tổ hợp tác; 360 trang trại, tăng hơn 230 trang trại; gần 2 nghìn hộ CCB kinh doanh dịch vụ với thu nhập cao, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Toàn tỉnh hiện có 150 mô hình giúp nhau giảm nghèo, từ năm 2016 đến nay giúp đỡ gần 240 hộ hội viên thoát nghèo.
Trong đó hơn 150 hộ vươn lên có thu nhập khá và giàu, đời sống được cải thiện. Phải kể đến mô hình 5+1, 7+1, 10+1, nghĩa là từ 5 đến 10 hộ CCB có điều kiện, kinh tế khá giúp đỡ một hộ CCB hoàn cảnh khó khăn vươn lên trở thành hộ trung bình và khá. Mô hình “Góp vốn xoay vòng” được thực hiện ở các HTX và tổ hợp tác, nhờ nguồn vốn huy động trong nội bộ, các thành viên có điều kiện để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, bảo đảm quyền lợi cho người lao động và các thành viên trong HTX...
Chúng tôi đến thăm HTX nuôi thỏ của CCB Trần Quốc Huy (SN 1965) ở thôn Cầu Tiến, xã Hương Vĩ (Yên Thế). Trang trại của ông Huy rộng khoảng 500 m2, nằm dưới chân đồi bạch đàn, cách xa khu dân cư. Trong các ô chuồng duy trì từ 1.700 đến 2.000 con thỏ khỏe mạnh.
“Năm 1987, tôi xuất ngũ, bấy giờ tuổi trẻ, có sức khỏe nên luôn mong muốn làm giàu. Sau khi tìm hiểu, tôi chọn nuôi thỏ vì kỹ thuật nuôi không khó, đầu ra ổn định. Năm 2013, tôi nuôi nhỏ lẻ chỉ vài chục con, ba năm sau, tôi và một số CCB thành lập HTX để mở rộng chăn nuôi, bảo đảm tốt nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Càng làm càng có kinh nghiệm, càng ham, trung bình mỗi năm gia đình lãi từ 300 đến 400 triệu đồng”, ông Huy chia sẻ.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, CCB Nguyễn Quang Vinh, thôn Voi, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) cùng gia đình mạnh dạn mở công ty gia công may mặc xuất khẩu cao cấp. Từ năm 2011 đến nay, mặt bằng sản xuất, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân công, đơn hàng ngày một tăng.
Doanh thu của công ty đạt khoảng 3,5 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 120 lao động. Công ty của gia đình ông đang xây dựng thêm một phân xưởng ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) với diện tích 1,5 ha để mở rộng thị trường.
![]() |
CCB Vũ Đình Trà ở thôn Việt Hùng, xã Việt Ngọc (Tân Yên) phát triển mô hình kinh tế VAC. |
Danh sách CCB vượt khó làm giàu còn phải kể đến ông Lê Văn Thùa, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng; ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hữu Hảo (TP Bắc Giang); Công ty Cổ phần Thương mại Dược phẩm Ngọc Đông (TP Bắc Giang) do CCB Hoàng Thị Ngọc làm Phó Giám đốc; CCB Giáp Văn Lợi, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Tân Thanh (Lạng Giang); CCB Nguyễn Văn Hà, chủ trang trại và chế biến thực phẩm ở xã Lương Phong (Hiệp Hòa); CCB Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc HTX Thương mại và dịch vụ sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng xã Quế Nham (Tân Yên)...
Toàn tỉnh có gần 250 doanh nghiệp nhỏ và vừa, gần 140 hợp tác xã, tổ hợp tác do CCB làm chủ; 360 trang trại, gần 2 nghìn hộ gia đình CCB kinh doanh dịch vụ cho thu nhập cao, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. |
Có thể khẳng định, nhiều năm qua, hơn 115 nghìn CCB trong toàn tỉnh đều tích cực hưởng ứng phong trào “CCB làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo”. Kinh tế gia đình mỗi hội viên ngày thêm lớn mạnh, đó là động lực để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo nhanh, góp phần xây dựng NTM, đô thị văn minh, tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện, các cuộc vận động, các phong trào ở địa phương.
Nữ cựu binh Hoàng Thị Ngọc, Công ty cổ phần Thương mại Dược phẩm Ngọc Đông chia sẻ: "Bản thân tôi và Ban lãnh đạo Công ty luôn tích cực tham gia công tác an sinh xã hội ở địa phương, đồng thời vận động cán bộ, công nhân viên tích cực tham gia. Thời gian qua, chúng tôi giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn, cùng các cấp, chính quyền, đoàn thể chung tay phòng, chống dịch Covid-19, xông pha như thời chiến, dù khó khăn nhưng ai nấy đều hào hứng, quyết tâm. Tham gia công tác thiện nguyện luôn là mục tiêu song hành với mục tiêu phát triển kinh tế của công ty”.
Phong trào "CCB làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo" cũng tạo nhiều cơ hội để CCB nâng cao năng lực làm kinh tế, gắn sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm trong nước với hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường đoàn kết gắn bó tình đồng đội, thúc đẩy hoạt động tình nghĩa, chăm lo các đối tượng chính sách và xây dựng hội trong sạch vững mạnh.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)