Tiêu thụ vải thiều Bắc Giang: Linh hoạt nối dài kỷ lục "ba nhất"
Nhìn lại vụ vải thiều năm 2021 cho thấy, hầu hết các khâu từ sản xuất, thu hoạch, vận chuyển đến tiêu thụ được thực hiện chuyên môn hóa, góp phần mang đến vụ vải thiều “3 nhất” (sản lượng lớn nhất, chất lượng cao nhất và xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính nhất). Trong thành công chung đó, điểm nhấn đáng chú ý là sự vào cuộc tích cực của Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội.
![]() |
Đại diện UBND huyện Lục Ngạn, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh ký kết tiêu thụ vải thiều năm 2022. Ảnh: Trịnh Lan. |
Điển hình, từ chương trình “Áo xanh - vải đỏ - tấm lòng vàng”, Tỉnh đoàn phối hợp với sàn thương mại điện tử Sendo tiêu thụ 300 tấn vải thiều; trực tiếp kết nối, hỗ trợ tiêu thụ hơn 1 nghìn tấn và huy động các lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia giúp đỡ người dân thu hoạch.
Hay như Hội Nông dân huyện Lục Ngạn chỉ đạo các cơ sở hội thành lập 310 tổ đổi công với hơn 2,6 nghìn thành viên tham gia giúp gia đình hội viên nông dân thu hoạch hơn 2,9 nghìn tấn. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các hợp tác xã trực tiếp giới thiệu tiêu thụ được hơn 2 nghìn tấn, trong đó tín chấp tiêu thụ được 158 tấn thông qua Hội Nông dân các tỉnh: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Trị, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Phước và một số tờ báo chuyên ngành.
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh thành lập 3 điểm tiêu thụ vải thiều tại Lục Ngạn, qua đó tiêu thụ gần 1,2 nghìn tấn. Bà Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Việc sớm có văn bản đề nghị Hội LHPN các tỉnh, TP, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quan tâm, kết nối, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều đã giúp chúng tôi có những kết nối hiệu quả”.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm nay thời tiết thuận lợi, rét kéo dài, mưa đều nên vải thiều sinh trưởng, phát triển tốt. Cùng với kiểm soát chặt chẽ các mã vùng trồng nên chất lượng vải thiều cao hơn năm trước và cao nhất từ trước đến nay, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn, trong đó vải thiều sớm khoảng 60 nghìn tấn, còn lại là vải thiều chính vụ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng như hiện nay, việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dự báo gặp khó khăn, ngay từ đầu vụ, các ngành, địa phương đã chủ động, linh hoạt trong triển khai kế hoạch, phương án tiêu thụ cụ thể, hợp lý, khoa học.
![]() |
Vải thiều sớm Phúc Hòa (Tân Yên) tiêu thụ thuận lợi nhờ có sự kết nối. |
Ghi nhận tại vùng vải sớm Phúc Hòa (Tân Yên) cho thấy, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đến thu mua vải thiều, UBND xã bố trí 7 điểm đỗ, đậu và quay đầu xe, đồng thời đề nghị các ngành, đoàn thể huy động nhân lực, sẵn sàng hỗ trợ người dân. Đặc biệt, năm nay thông qua một số sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các HTX, nhóm hộ trên địa bàn đã ký kết được các đơn hàng xuất khẩu vải thiều sang thị trường Hàn Quốc, Campuchia và một số nước châu Âu.
Ông Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa nói: “Nếu như năm ngoái, sản lượng vải thiều của xã xuất sang những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu chỉ khoảng hơn 10 tấn thì năm nay tăng cao theo các đơn hàng đã ký. Điển hình như Công ty Việt Pháp ký hợp đồng tiêu thụ 40 tấn vải đi thị trường châu Âu; Công ty Fusa cũng ký hợp đồng xuất khẩu 10 tấn sang thị trường này”.
Là địa phương có sản lượng vải thiều lớn (khoảng 95 nghìn tấn), từ đầu tháng 5, Huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn đã tổ chức hội nghị “Chung tay kết nối tiêu thụ vải thiều”. Tại đây, địa phương ký giao ước với Ủy ban MTTQ, các sở, ngành và tổ chức chính trị - xã hội. Thực hiện giao ước, đến nay, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội đã có kế hoạch cụ thể, triển khai việc hỗ trợ.
Trong đó, Tỉnh đoàn tiếp tục duy trì chương trình “Áo xanh - vải đỏ - tấm lòng vàng”, coi đây là một trong những hoạt động trọng tâm trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2022. Hội LHPN tỉnh đặt mục tiêu hỗ trợ, tiêu thụ số lượng vải thiều tương đương năm ngoái.
Để cụ thể hóa, đến nay Hội đã có công văn gửi Hội LHPN các tỉnh, TP đề nghị cùng chung tay kết nối, quảng bá và tiêu thụ vải thiều Bắc Giang; đồng thời phối hợp với Hội Nữ doanh nhân thống nhất phương án hỗ trợ tiêu thụ; kết nối với Đại sứ quán một số nước để đưa sang trưng bày tại nước ngoài.
Tương tự, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh gửi thư ngỏ đến 83 đầu mối công đoàn trong cả nước, 175 Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng công đoàn của các cơ quan báo chí T.Ư, ngân hàng và 15 tổng công ty, tập đoàn lớn.
“Dự kiến năm nay, chúng tôi sẽ kết nối, tiêu thụ từ 3,5 đến 5 nghìn tấn vải thiều. Nét mới là chúng tôi đề nghị LĐLĐ các tỉnh, TP, công đoàn các ngành T.Ư đứng ra làm đầu mối để tập hợp số lượng mua. Căn cứ các đơn hàng, chúng tôi sẽ phối hợp với các hợp tác xã đóng hàng, chuyển đi, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học hơn”, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Cảnh chia sẻ.
Với sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung tay kết nối, tiêu thụ của MTTQ, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, hy vọng vụ vải thiều năm nay tiếp tục nối dài kỷ lục "ba nhất".
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)