Tiếp bước cha anh, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ
Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc đã có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh; không ít người trở về nhưng mang trên mình những vết thương không bao giờ lành. Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, quãng thời gian này đủ để một thế hệ trưởng thành và nhiều người con của họ đã tiếp bước thế hệ cha anh, trong đó có Trung tá Nguyễn Đình Hùng, Trưởng Ban Dân quân (Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang)
![]() |
Thượng úy Đoàn Văn Hiện thực hành kỹ năng buộc lượng nổ. |
Dù vậy, qua những kiến thức được học và tìm hiểu từ những trang sử của Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tá Hùng hiểu được sự hy sinh anh dũng của cha cùng đồng đội khi bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc và luôn tự hào, kiêu hãnh về điều đó. Trung tá Hùng chia sẻ: “Tự hào về cha bao nhiêu thì ước mơ được tiếp bước, khoác trên mình màu áo xanh người lính của tôi càng cháy bỏng bấy nhiêu. Do đó, khi học xong THPT tôi đã quyết định thi vào Trường Sĩ quan Lục quân. Khi có thông báo trúng tuyển, tôi rất vui mừng và từ đó luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên giao phó để không phụ lòng người cha kính yêu”.
Trải qua nhiều cương vị công tác từ cán bộ Quân đoàn 2 đến các Ban của Bộ CHQS tỉnh, Trung tá Nguyễn Đình Hùng luôn chịu khó học hỏi, lắng nghe sự chỉ dạy của người đi trước và thực hiện tốt công tác tham mưu trong các mặt công tác. Cùng với hàng chục Bằng khen, Giấy khen của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Bộ CHQS tỉnh, Tư lệnh Quân khu 1, Trung tá Nguyễn Đình Hùng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì, Ba.
Với Thượng úy Đoàn Văn Hiện ở xã Ninh Sơn (Việt Yên-Bắc Giang) - cán bộ Trung đội Công binh, Phòng Tham mưu (Bộ CHQS tỉnh) thì người cha kính yêu - liệt sĩ Đoàn Văn Thực luôn là tấm gương để anh noi theo. Thượng úy Đoàn Văn Hiện tâm sự: “Cha hy sinh ở chiến trường Quảng Trị năm 1975 khi tôi mới được vài tháng tuổi. Lớn lên bằng tình yêu của mẹ nhưng câu chuyện về người cha anh hùng như ngọn đèn sáng soi rọi cho tôi trưởng thành. Chỉ biết về cha qua những bức ảnh, lời kể của người thân nhưng tôi luôn tự hào về cha và mong được tiếp bước trên con đường quân ngũ”.
Để thực hiện ước mơ của mình, năm 1997, anh Hiện nhập ngũ tại Trung đoàn Pháo Phòng không 218, Sư đoàn Phòng không 361 (Quân chủng Phòng không không quân). Đến năm 2013, anh chuyển về công tác tại Trung đội Công binh, Phòng Tham mưu (Bộ CHQS tỉnh). Là lính công binh, anh Hiện thường xuyên tiếp xúc với vật liệu nổ, bom, mìn, không ít lần trực tiếp tham gia cùng đồng đội rà phá bom mìn hoặc hủy nổ những quả bom, mìn còn sót trên địa bàn. Hay như trong đợt diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2019, Thượng úy Hiện trực tiếp tham gia gói buộc lượng nổ, tạo nổ giả trong suốt quá trình diễn tập và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thượng úy Đoàn Văn Hiện chia sẻ thêm: “Thực hiện nhiệm vụ liên quan đến thuốc nổ, bom mìn có rất nhiều hiểm nguy bởi chỉ một sai sót nhỏ sẽ khiến mình và đồng đội phải trả giá bằng máu và có thể là cả tính mạng. Những quả bom, mìn này đều trong trạng thái đã kích hoạt nhưng chưa nổ do một số yếu tố kỹ thuật. Vì vậy, chúng có thể nổ bất kỳ lúc nào. Nguy hiểm là vậy nhưng tôi chưa bao giờ e ngại bởi ngoài thường xuyên trau dồi chuyên môn, bản lĩnh chính trị của người lính Cụ Hồ, tôi luôn khát khao tiếp bước người cha anh hùng”.
Trên đây chỉ là 2 trong số 87 cán bộ, chiến sĩ là con các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đang công tác tại các đầu mối trực thuộc Bộ CHQS tỉnh. Mỗi người có một công việc, vị trí khác nhau nhưng họ luôn lấy sự hy sinh, cống hiến của thế hệ đi trước là tấm gương sáng để noi theo. Chỉ huy các đơn vị cũng thường xuyên quan tâm trao đổi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tạo điều kiện về thời gian, công việc để họ yên tâm công tác. Đặc biệt, hằng năm, cứ vào tháng 7, cấp ủy, chỉ huy Bộ CHQS tỉnh lại tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi những cán bộ, chiến sĩ này để động viên họ khắc phục mọi khó khăn, tiếp bước cha anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Việt Anh
Ý kiến bạn đọc (0)