Thực hiện Nghị quyết 68: Tập trung gỡ vướng thủ tục, bảo đảm quyền lợi người dân
Khó xác định trường hợp F1
Anh Nguyễn Văn Công (SN 1989), ở thôn Gáo, xã Hương Gián (Yên Dũng) làm tiếp thị mỹ phẩm cho một công ty ở thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) nhưng có liên quan đến trường hợp F0 nên được đưa đi cách ly tập trung tại tỉnh Bắc Ninh. Hoàn thành cách ly từ ngày 7/7, anh Công trở về địa phương, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên từ đó đến nay vẫn chưa đi làm lại.
![]() |
Chi trả tiền hỗ trợ đối tượng thuộc diện F1 tại UBND phường Lê Lợi (TP Bắc Giang). |
Không có thu nhập, mọi chi tiêu trong gia đình (4 người) trông vào lương công nhân của vợ. Khoản hỗ trợ tiền ăn (21 ngày) trong thời gian cách ly dù không lớn nhưng cũng phần nào vơi bớt khó khăn với anh thời điểm này. Tuy nhiên, hồ sơ của anh Công không được Hội đồng thẩm định huyện Yên Dũng phê duyệt.
Nguyên nhân do quyết định anh lưu là bản sao, không có bản chính để đối chiếu và chứng thực; danh sách kèm theo quyết định chỉ đóng dấu giáp lai trang đầu mà tên anh lại nằm ở trang sau, theo quy định cũng không thể chứng thực. Theo bà Đỗ Khánh Vân, cán bộ lao động - thương binh và xã hội (LĐTBXH) xã Hương Gián, ngoài anh Công, trên địa bàn còn 19 trường hợp khác cũng gặp vướng mắc liên quan đến giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ.
Theo tổng hợp của Sở LĐTBXH, đến chiều 17/8, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ tiền ăn cho hơn 6,6 nghìn F0, F1 với số tiền hơn 8,3 tỷ đồng; hỗ trợ bổ sung cho hơn 1 nghìn trẻ em là F0, F1, số tiền hơn 1 tỷ đồng. Hiện các địa phương đã chi trả cho gần 2 nghìn người thuộc nhóm này với số tiền gần 2,2 tỷ đồng. |
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, huyện Việt Yên là “tâm dịch” của tỉnh với hơn 4,1 nghìn trường hợp F0, gần 10,6 nghìn trường hợp F1. Qua rà soát có 1,9 nghìn trường hợp F0, hơn 9,4 nghìn trường hợp F1 còn giữ phiếu thu tiền ăn.
Cùng đó, nhiều lao động ở tỉnh ngoài chưa quay lại doanh nghiệp hay nơi ở trọ hoặc liên hệ để làm hồ sơ nên ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết. Huyện mới ban hành quyết định phê duyệt hỗ trợ cho 203 trường hợp F0, F1.
Theo ông Phạm Hữu Thường, Trưởng phòng LĐTBXH huyện, các xã, thị trấn đang gặp khó trong thực hiện thủ tục, hồ sơ thanh toán tiền ăn cho các trường hợp F1 do quy định chưa rõ ràng. Nhiều F1 có quyết định cách ly, giấy chứng nhận hoàn thành cách ly tập trung và giấy biên nhận tiền ăn không phải cùng một nơi cấp (do thay đổi khung cách ly) nên lúng túng trong hoàn thiện hồ sơ.
Đặc biệt, thời điểm tháng 5/2021, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên ban hành quyết định đưa công dân trú tại các thôn đông công nhân (có liên quan đến các ổ dịch) đến cách ly tập trung tại các khung cách ly do huyện, xã quản lý; một số huyện, TP cũng đưa công nhân trong các doanh nghiệp có ca nhiễm Covid-19 đi cách ly tập trung.
Tuy nhiên, trong quyết định không ghi cụ thể các trường hợp này tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 nào, chỉ ghi tên doanh nghiệp, nơi cư trú và lý do cách ly là “tiếp xúc gần với người mắc Covid-19, người đi từ vùng dịch về”. Vì vậy, huyện gặp lúng túng trong xác định diện F1 đối với các trường hợp này.
Theo ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐTBXH): Những vướng mắc liên quan đến hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thanh toán tiền ăn cho F1, Sở đã xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, chờ hướng dẫn giải quyết. Riêng với trường hợp như anh Công, chỉ vướng ở quyết định cách ly là bản phô tô thì Phòng LĐTBXH huyện có trách nhiệm xác minh, liên lạc với khung cách ly tại thị xã Từ Sơn để chuyển quyết định cách ly bản gốc (scan, sau đó gửi trực tuyến), tạo điều kiện tối đa để lao động được hưởng chính sách.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ
Theo tổng hợp của Sở LĐTBXH, đến chiều 17/8, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ tiền ăn cho hơn 6,6 nghìn trường hợp F0, F1 với số tiền hơn 8,3 tỷ đồng; hỗ trợ bổ sung cho hơn 1 nghìn trẻ em là F0, F1, số tiền hơn 1 tỷ đồng. Hiện các địa phương đã chi trả cho gần 2 nghìn người thuộc nhóm này với số tiền gần 2,2 tỷ đồng.
Là địa phương dẫn đầu tỉnh về kết quả triển khai, UBND TP Bắc Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện đến các xã, phường. “Chúng tôi giao nhiệm vụ cho cán bộ thôn, tổ dân phố tiến hành rà soát, trực tiếp đến nhà hướng dẫn, hỗ trợ người dân hoàn thiện hồ sơ; kịp thời thông tin vướng mắc của từng trường hợp với cán bộ chuyên môn để có hướng tháo gỡ”, ông Nguyễn Hữu Đính, Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Giang cho biết.
Trao đổi với ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH được biết, bên cạnh những vướng mắc trong việc xác định nhóm đối tượng F0, F1, hiện nhiều lao động đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ cấp lại các giấy tờ cần thiết để làm thủ tục hỗ trợ như: Giấy ra viện, biên nhận thu tiền ăn, quyết định cách ly y tế, hoàn thành việc cách ly.
Để tháo gỡ, Sở LĐTBXH đã ban hành văn bản đề nghị các doanh nghiệp phối hợp trong việc lập danh sách NLĐ cần hỗ trợ cấp lại các giấy tờ cần thiết do bị mất hoặc thất lạc để làm thủ tục hưởng hỗ trợ. Sau đó chuyển cho các cơ quan chức năng xác minh, cấp lại, bảo đảm quy định.
Qua thực tế kiểm tra tại một số địa phương, về công tác này, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để các nhóm đối tượng hiểu rõ, phối hợp triển khai; bộ phận chuyên môn cử cán bộ trực làm việc ngày nghỉ, tạo điều kiện tối đa cho NLĐ hoàn thiện hồ sơ.
Giao nhiệm vụ cho Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang chủ trì, phối hợp các ngành, đơn vị liên quan bàn giao hồ sơ các trường hợp cách ly tập trung cho địa phương để hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ. UBND các huyện, TP rà soát và chuyển hồ sơ các trường hợp F1 là người địa phương khác cách ly tập trung trên địa bàn, tạo điều kiện cho công dân hoàn thiện thủ tục, hưởng chính sách. Sở Tài chính tiếp tục hướng dẫn các địa phương về thủ tục, hồ sơ thanh toán bảo đảm quy định.
Bài, ảnh: Tường Vi - Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)