Thực hiện chương trình phát triển vùng dân tộc thiểu số: Nắm bắt khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án
Tỷ lệ giải ngân vốn thấp
Thực hiện Chương trình phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, năm 2022, huyện Sơn Động được phân bổ hơn 83,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư, tỉnh. Với kinh phí này, UBND huyện triển khai 10 dự án thành phần. Mặc dù vậy, huyện mới giải ngân được gần 35,6 tỷ đồng, đạt 42,44% kế hoạch vốn giao.
![]() |
Cùng với vốn của chương trình, UBND huyện Sơn Động sẽ đối ứng để hoàn thiện hạng mục còn thiếu tại các nhà văn hoá. |
Năm nay, huyện tiếp tục được phân bổ hơn 181 tỷ đồng song đến thời điểm này mới chỉ phân bổ được gần 47 tỷ đồng. Đáng chú ý, có nhiều dự án, tiểu dự án không thể triển khai do vướng mắc quy định, người dân không đồng thuận.
Dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư tại thôn Đồng Bài, thôn Nà Trắng (xã An Lạc) cho 7 hộ với 31 nhân khẩu là một ví dụ. Dù địa phương đã bố trí đất cho các hộ tại nơi ở mới song do tập quán, các hộ không đồng thuận với phương án di dân tái định cư tập trung, có hộ không chấp thuận với định mức hỗ trợ theo quy định hiện hành. Tương tự, nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cũng khó triển khai do các hợp tác xã trên địa bàn huyện chủ yếu ở khu vực nông thôn, năng lực quản lý chưa cao, thiếu vốn, thiếu khoa học kỹ thuật nên việc liên kết với các cơ sở tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện Chương trình phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, năm 2022, huyện Sơn Động được phân bổ hơn 83,8 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách T.Ư là gần 57,9 tỷ đồng, vốn sự nghiệp ngân sách T.Ư hơn 12,6 tỷ đồng, còn lại ngân sách tỉnh. Năm nay, huyện tiếp tục được phân bổ hơn 181 tỷ đồng để triển khai 10 dự án. |
Tìm hiểu tại xã Dương Hưu cho thấy, để hỗ trợ phát triển mô hình nuôi gà, UBND xã sớm chỉ đạo các thôn họp dân, lựa chọn 35 hộ đủ điều kiện tham gia. Tuy nhiên do chưa có hướng dẫn định mức hỗ trợ đối với từng đối tượng nên khó thẩm định và phê duyệt dự án. Ở các địa phương khác, việc hỗ trợ mô hình sản xuất cũng chưa thực hiện được vì thiếu hướng dẫn về việc phê duyệt giá chi tiết cho từng loại cây, con giống và việc thanh quyết toán dự án sau khi được triển khai, hoàn thành ra sao.
Ông Hoàng Như Hậu, Chủ tịch UBND xã An Bá cho biết: “Nếu như giai đoạn trước quy định rõ mức hỗ trợ tối đa với từng hộ (hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo) thì giai đoạn này mức hỗ trợ do địa phương quyết định. Điều này tuy giúp các xã chủ động, linh hoạt để dành vốn nhiều hơn đối với các hộ có kinh nghiệm cũng như khả năng phát triển song lại có sự so bì giữa các hộ, nguy cơ cao dẫn đến khiếu kiện”.
Thành lập tổ công tác hướng dẫn chi tiết
Để tháo gỡ khó khăn, mới đây, UBND huyện Sơn Động tổ chức hội nghị kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi. Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn thấp, có dự án khó triển khai là do một số quy định chưa thống nhất giữa các văn bản của bộ, ngành T.Ư khiến địa phương lúng túng.
![]() |
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, UBND xã Vân Sơn vừa phục hồi nghi lễ cầu mùa của đồng bào dân tộc Dao. |
Một số dự án, trình tự, thủ tục còn rườm rà. Tại nhiều địa phương, mỗi cán bộ, công chức được giao phụ trách 1-2 dự án, tiểu dự án trong khi vẫn phải làm nhiệm vụ chuyên môn nên chưa thực sự sâu sát, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thực hiện.
Ông Chu Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Vân Sơn nói: “Theo kế hoạch, các thôn đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ 59 triệu đồng để củng cố thiết chế văn hóa song chỉ được sửa chữa hoặc xây mới nhà văn hóa nên cũng gây khó khăn cho địa phương bởi chi phí sửa chữa, xây mới lớn. Trong khi thực tế tất cả các thôn trong xã đã có nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn nên chúng tôi muốn dành số tiền này để xây dựng hạng mục còn thiếu (nhà vệ sinh) nhưng không thể áp dụng”.
Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động thông tin, huyện vừa có chỉ đạo, đưa giải pháp cụ thể tháo gỡ cho các địa phương. Huyện giao Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thành lập tổ công tác, phân công cán bộ chuyên môn hỗ trợ các xã xây dựng dự án phát triển sản xuất theo cộng đồng, phù hợp với thực tế địa phương. Hướng dẫn các tổ cộng đồng lựa chọn nhà thầu mua sắm vật tư, cây, con giống triển khai các dự án.
Đối với hỗ trợ thiết chế văn hoá, UBND huyện đề xuất đối ứng kinh phí để thực hiện một số hạng mục liên quan nhà văn hoá các thôn như: Cổng, tường bao, nhà vệ sinh..., vừa bảo đảm đúng quy định, vừa hoàn thiện các hạng mục còn thiếu.
Với dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư tại thôn Đồng Bài, thôn Nà Trắng, UBND huyện chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện phối hợp rà soát, đề xuất phương án điều chỉnh dự án theo hình thức ổn định dân cư tại chỗ, dành kinh phí hoàn thiện hạ tầng tại khu vực người dân đang sinh sống.
Căn cứ vào hướng dẫn của huyện, các địa phương cũng tiến hành rà soát, lựa chọn các mô hình phù hợp, bảo đảm hiệu quả cao.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)