Thầy hiệu phó lan tỏa văn hóa đọc
Tháng 6/2021, thầy Nhường chuyển công tác từ Trường THPT Lục Nam về Trường THPT Phương Sơn (Lục Nam). Khi ấy, theo thầy quan sát, số lượng học sinh đọc sách tại thư viện của trường rất ít, mỗi tháng chỉ vài chục lượt.
![]() |
Thầy Nhường cùng học sinh trò chuyện về cuốn sách hay. |
Thầy tiến hành khảo sát hơn 1 nghìn học sinh của trường, kết quả cho thấy, vào thời gian rảnh rỗi, hầu hết các em thường giải trí bằng mạng xã hội, trò chơi điện tử, lướt web, xem TV… Thầy Nhường nói: “Sau nhiều năm học tập, làm việc, nghiên cứu các tài liệu, tôi nhận thấy giá trị của việc đọc sách nhằm cung cấp tri thức, phát huy trí tưởng tượng của não bộ và nuôi dưỡng tâm hồn. Thật đáng tiếc nếu các em không được rèn luyện thói quen đọc sách từ sớm”.
Mong muốn rèn luyện, phát triển văn hóa đọc và xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh, thầy Nhường đề xuất với Ban Giám hiệu nhà trường phương pháp thu hút bạn đọc tới thư viện. Để đạt được điều đó, nơi đây phải là môi trường mở, thân thiện với học sinh, nhiều loại sách và phù hợp với lứa tuổi của các em. Nhà trường vận động các nguồn xã hội hóa, giáo viên, phụ huynh chung tay đóng góp vào tủ sách của nhà trường. Thầy Nhường tiên phong ủng hộ hàng chục cuốn sách. Hiện tại, thư viện có hơn 6 nghìn đầu sách gồm các thể loại như: Sách tham khảo, kỹ năng sống, khoa học, tâm lý, truyện, tiểu thuyết…
Hiện nay, thư viện Trường THPT Phương Sơn có hơn 6 nghìn đầu sách các loại. Không gian yên tĩnh, các dãy bàn được sắp xếp gọn gàng, những tủ sách đa dạng thể loại cùng quy trình mượn, trả sách đơn giản ngày càng thu hút nhiều học sinh. Trung bình mỗi tháng, thư viện có từ 300 - 500 lượt bạn đọc. |
Thư viện với không gian yên tĩnh, các dãy bàn được sắp xếp gọn gàng, nhiều loại sách cùng quy trình mượn, trả sách đơn giản ngày càng thu hút nhiều học sinh. Trung bình mỗi tháng, thư viện đón từ 300 - 500 lượt bạn đọc. Em Hà Thị Hải Yến, học sinh lớp 11A7 nói: “Vào giờ ra chơi hoặc cuối buổi học, em tranh thủ tới thư viện. Tại đây, có rất nhiều cuốn truyện, tiểu thuyết kinh điển của các nhà văn nổi tiếng thế giới. Cô thủ thư thoải mái, tạo điều kiện cho chúng em mượn nhiều sách nhất có thể”.
Hằng năm, nhà trường đều lên kế hoạch dành nguồn kinh phí để bổ sung sách mới cho thư viện. Những cuốn sách được chọn mua sau khi tham khảo ý kiến, nhu cầu của học sinh. Chính vì vậy, lượng bạn đọc mới đến với thư viện ngày càng tăng. Bên cạnh đó, thầy Nhường rất chú trọng tới việc phát triển các câu lạc bộ (CLB) theo sở thích cho học sinh, giúp các em có những sân chơi bổ ích, thể hiện niềm đam mê của bản thân. Trong đó, thầy đặc biệt quan tâm tới CLB Sách và Hành động. Hiện tại, CLB có khoảng 30 thành viên. Để hoạt động hiệu quả, CLB sinh hoạt hằng tháng theo các chủ đề được các thầy cô gợi ý.
CLB triển khai nhiều hoạt động với mục tiêu giúp nhiều bạn học sinh tiếp cận sách vào giờ ra chơi hay cuối buổi học. Các chương trình được tổ chức đều đặn hằng tuần như: Tuyên truyền, giới thiệu những cuốn sách hay, trưng bày các gian sách tại sân trường, hành lang… Các thành viên thường xuyên giới thiệu về những cuốn sách hay trên trang facebook của CLB.
Ngoài ra, CLB còn thực hiện chương trình đổi giấy lấy cây, bán sách cũ, thu gom giấy vụn, vận động sự ủng hộ của giáo viên để giúp đỡ những bạn học có hoàn cảnh khó khăn trong trường. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, có 10 bạn học sinh được tặng đồ dùng học tập mới. Những món quà tuy nhỏ nhưng đã tiếp thêm động lực để các em nỗ lực học tập, rèn luyện bản thân.
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 hằng năm, thầy Nhường cùng CLB Sách và Hành động của trường lên kế họach tổ chức buổi tiệc trà, nói chuyện về sách; 100% các chi đoàn thực hiện video giới thiệu những cuốn sách hay; cuộc thi thiết kế trang phục tái chế cho nhân vật trong truyện. Bằng những phong trào này, thầy Nhường mong muốn tăng lượng bạn đọc thường xuyên tới thư viện, hình thành thói quen đọc sách hằng ngày cho học sinh.
Bằng tất cả những việc làm ý nghĩa của mình, thầy Nhường mong muốn xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh và lan tỏa văn hóa đọc tới nhiều người trong xã hội. Theo thầy, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, học sinh có thể đọc sách giấy truyền thống, sách nói hay sách điện tử. Tuy nhiên cần hướng dẫn các em lựa chọn nội dung, cách tiếp cận phù hợp với bản thân, lứa tuổi. Như vậy, việc đọc sách mới phát huy hiệu quả, bồi dưỡng các em cả về trí tuệ và tâm hồn.
Bài, ảnh: Thu Thủy
Ý kiến bạn đọc (0)