Tham gia giải quyết vấn đề xã hội: Nâng vị thế, phát huy vai trò của phụ nữ
Nhân rộng mô hình điểm
Huyện Lục Nam được lựa chọn xây dựng mô hình điểm trong thực hiện Đề án 938. Với thế mạnh có nhiều hộ hội viên canh tác rau xanh từ trước, Hội LHPN huyện tham mưu với Hội LHPN tỉnh chọn thôn Phương Lạn 3, thị trấn Phương Sơn (Lục Nam) để xây dựng mô hình “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm”.
![]() |
Hội viên phụ nữ thôn Cầu Xi, xã Ngọc Châu (Tân Yên) ký cam kết xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch". |
Theo đó hơn 100 hộ canh tác rau xanh được vận động tham gia chuyển đổi từ mô hình trồng rau thông thường sang sản xuất rau hữu cơ. Hội LHPN tỉnh phối hợp với các đơn vị tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho các thành viên.
Bà Vũ Thị Gái chia sẻ: “Ban đầu tôi cũng lo ngại trồng theo phương pháp mới sẽ khó thực hiện nhưng được cán bộ khuyến nông hướng dẫn tận tình và cùng theo sát quá trình chăm sóc nên giờ tôi đã nắm chắc kỹ thuật canh tác rau sạch.
Cái lợi của cách sản xuất này là không quá phụ thuộc vào thời tiết. Rau củ ít bị sâu bệnh, cây hấp thu được dinh dưỡng trực tiếp nên an toàn, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20-30 triệu đồng/năm so với canh tác truyền thống”.
Thôn 6, xã Việt Tiến (Việt Yên) giáp với quốc lộ 37, gần doanh nghiệp may và có chợ cóc, chợ tạm nên lượng rác thải hằng ngày lớn. Trước đây rác thường được các hộ dân, doanh nghiệp vứt ngoài đường làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Để giải quyết tình trạng này, Hội LHPN huyện đề xuất chọn thôn 6 để xây dựng mô hình điểm “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch, xây dựng nông thôn mới” theo Đề án 938.
Giờ đây cảnh quan thôn 6 có sự thay đổi lớn, các trục đường chính vào thôn đều phong quang, sạch sẽ. Để tổ chức thực hiện mô hình hiệu quả, Hội LHPN xã bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, tích cực vận động hội viên nòng cốt tham gia, tổ chức ra mắt mô hình, thành lập tổ vệ sinh môi trường thôn, trang bị xe và dụng cụ thu gom rác.
Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, đến nay, rác thải của các gia đình được thu gom, phân loại trước khi đem đến điểm tập kết. Sáng Chủ nhật hằng tuần, các chi hội đều ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường. Sự tham gia tích cực của phụ nữ góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao tại Việt Tiến vào năm 2018.
Được biết, từ khi triển khai Đề án đến nay, toàn tỉnh có 440 mô hình được thành lập mới với gần 30 nghìn hội viên tham gia. Cùng đó, các cấp hội duy trì hơn 2,8 nghìn mô hình, câu lạc bộ, tổ phụ nữ chuyên đề; 608 mô hình địa chỉ tin cậy, 1,3 nghìn câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, gần 2,5 nghìn tổ hoà giải ở cơ sở, 133 mô hình tư vấn sức khoẻ tiền hôn nhân.
Thúc đẩy sự tích cực, chủ động của phụ nữ
Thực hiện Đề án, UBND các cấp đã xây dựng kế hoạch triển khai, giao cho Hội LHPN cùng cấp chủ trì. Tại huyện Lục Nam, các cấp hội phụ nữ gắn thực hiện Đề án với chủ đề công tác năm và các phong trào thi đua.
Đơn cử như năm 2020 và 2021, Hội LHPN huyện đẩy mạnh tuyên truyền và các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cùng một số loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như HIV/AIDS; phòng, chống bạo lực gia đình, phổ biến kiến thức pháp luật.
Triển khai Đề án 938, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức 598 diễn đàn đối thoại, tiếp thu hơn 6,7 nghìn ý kiến về bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc. |
Tại huyện Tân Yên, năm 2021, Hội LHPN huyện đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hơn 30 hội nghị, diễn đàn về phòng chống xâm hại, bạo lực, mua bán người, tai nạn thương tích, an toàn giao thông, kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe, giải pháp bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em... thu hút hơn 40 nghìn lượt người tham dự.
Bà Đặng Thị Đừng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cầu Xi, xã Ngọc Châu (Tân Yên) cho biết: “Tham dự các hội nghị truyền thông, chúng tôi có thêm kiến thức pháp luật, kỹ năng giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. 100% gia đình hội viên ký cam kết thực hiện các tiêu chí gia đình “5 không, 3 sạch”.
Hội viên trong thôn đã mạnh dạn, chủ động hơn, sẵn sàng lên tiếng để ngăn chặn bạo lực đối với bản thân và giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ trong cuộc sống hằng ngày”. Hai năm trở lại đây, trên địa bàn không xảy ra các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em. Mới đây, cán bộ, hội viên phụ nữ trong thôn đã tham gia hòa giải thành hai vụ việc tranh chấp về đất đai và giải phóng mặt bằng.
Bà Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục phối với chặt chẽ với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các nội dung cụ thể của Đề án. Đồng thời, tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở và phát huy hiệu quả hoạt động mạng lưới tuyên truyền viên ở cơ sở để vận động, hỗ trợ phụ nữ thay đổi hành vi theo hướng tích cực, tiến bộ.
Tiếp tục duy trì, xây dựng, nhân rộng các điển hình tốt, cách làm hay mang lại hiệu quả. Việc thực hiện Đề án 938 được gắn với chủ đề công tác năm và các cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Trong đó các cấp hội chú trọng công tác tham mưu, phát huy vai trò của phụ nữ trong giám sát việc thực hiện, đề xuất các chính sách, pháp luật liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc và giáo dục trẻ em, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, vệ sinh môi trường ở địa phương”.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)