Tập trung thảo luận, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Sáng 18/10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Báo Bắc Giang tổ chức hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ 29 năm 2024 với chủ đề “Báo Đảng tuyên truyền cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Báo Bắc Giang đăng đề dẫn hội thảo do đồng chí Trịnh Văn Ánh, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang trình bày.
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; là giải pháp quan trọng để huy động nguồn lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương. Trong quá trình thực hiện, bên cạnh vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền có vai trò rất quan trọng.
Đồng chí Trịnh Văn Ánh, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang trình bày đề dẫn hội thảo. |
Thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa 25 báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2023 tại tỉnh Vĩnh Phúc; được sự nhất trí của Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang, hôm nay, Báo Bắc Giang đăng cai tổ chức hội thảo với chủ đề “Báo Đảng tuyên truyền cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ và các địa phương. Từ năm 2014, hằng năm Chính phủ ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với các mục tiêu, giải pháp cụ thể. Thực hiện Nghị quyết, các tỉnh, thành phố đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến được triển khai và đạt kết quả tích cực; được các tổ chức quốc tế ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
25 tỉnh, thành phố phía Bắc chiếm hơn 40% dân số cả nước, là khu vực có vị trí địa lý hết sức quan trọng, bao gồm 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội và Hải Phòng; 2 vùng kinh tế - xã hội là vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong nửa đầu năm 2024 dù còn những khó khăn nhất định nhưng tình hình kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc có nhiều chuyển biến tích cực, duy trì đà tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả nước.
Tại Bắc Giang, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngày 28/4/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 105 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025”. Với nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh cải thiện rõ rệt; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 tăng 29 bậc so với năm 2021, xếp thứ 2, năm 2023 xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Kết quả đó góp phần quan trọng thúc đẩy thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Kể từ đầu nhiệm kỳ 2020 đến nay, thu hút đầu tư của tỉnh luôn duy trì trong nhóm tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, góp phần để tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 14%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đặc biệt công nghiệp phát triển mạnh, Bắc Giang trở thành điểm sáng của cả nước và là một trong những trung tâm công nghiệp của vùng.
Đạt được kết quả nêu trên là do nỗ lực, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, trong đó có công tác tuyên truyền. Các cơ quan báo chí nói chung, báo Đảng các địa phương nói riêng đã thể hiện rõ vai trò xung kích đưa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và của địa phương về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vào cuộc sống. Quá trình thực hiện đã quan tâm tuyên truyền nhân tố tích cực như kịp thời cổ vũ những bài học, nhân tố mới, ứng xử văn minh của cơ quan chức năng và cán bộ, viên chức khi thực thi nhiệm vụ liên quan người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư; những giải pháp mới trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, hải quan, thuế, cải cách hành chính; việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án; chủ trương, giải pháp của tỉnh và tiến độ các công trình, dự án giao thông trọng điểm, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực; công tác bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh…
Bên cạnh đó, báo Đảng các địa phương phân tích, kiến giải những bất cập, hạn chế, điểm nghẽn cản trở sự phát triển chung, trong đó có cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của vùng và mỗi địa phương. Nổi bật như những vấn đề đặt ra trong liên kết vùng, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tăng tính kết nối. Cải cách hành chính còn dấu hiệu “trên nóng, dưới lạnh”, biểu hiện làm khó doanh nghiệp, nhà đầu tư. Những vướng mắc khi thực hiện các quy định mới trong các lĩnh vực, nhất là đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở một số địa phương, đặc biệt là tính minh bạch thông tin, các chỉ số thành phần tiếp cận đất đai, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp...
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ lớn, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; quá trình thực hiện còn những khó khăn, trở ngại cần tháo gỡ. Trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân xuất phát từ nội dung, hình thức truyền thông về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của các cơ quan báo chí nói chung, báo Đảng địa phương nói riêng có mặt còn hạn chế, nội dung, hình thức còn chưa phóng phú, hấp dẫn.
Các đồng chí: Trịnh Văn Ánh, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang, Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới và Đỗ Hoàng Hanh, Phó Tổng Biên tập Báo Vĩnh Phúc chủ trì hội thảo. |
Để hội thảo đạt kết quả thiết thực, thay mặt Ban tổ chức, tôi trân trọng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung chính như sau:
Một là, đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá vai trò, vị thế của báo Đảng địa phương; những ưu điểm, hạn chế trong tuyên truyền cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là áp dụng công nghệ làm báo hiện đại trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số báo chí đang diễn ra mạnh mẽ.
Hai là, đánh giá những điểm mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức nội dung, kết cấu các chuyên trang, chuyên mục, đợt, tuyến tuyên truyền các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như:
Tuyên truyền nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục liên quan đến các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, thuế, bảo hiểm, vấn đề liên thông thủ tục hành chính giữa các cấp, ngành; đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội như giao thông, các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng phụ trợ phát triển công nghiệp như nhà ở công nhân, các thiết chế thể thao, văn hóa, trường học, chợ, công viên...; công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp…
Tuyên truyền thu hút đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp; kinh tế biên mậu - cửa khẩu, cảng biển; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến; nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Giải pháp khơi thông nguồn vốn cho đầu tư phát triển; những cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương trong phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường; vấn đề phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, chăm lo đời sống công nhân, lao động, thực hiện các chính sách an sinh xã hội…
Ba là, trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ; đồng thời đề xuất giải pháp, cách làm mới nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bốn là, bên cạnh những vấn đề trên, các tham luận có thể trao đổi, đi sâu phân tích những điểm được cho là thế mạnh, cách làm riêng thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo của cơ quan báo trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần vào thành quả phát triển chung của địa phương.
(*) đầu đề do Báo Bắc Giang đặt.
Ý kiến bạn đọc (0)