Tân Yên: Tăng nguồn lực đầu tư trường, lớp học
Đầu tư có trọng tâm
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học trên địa bàn huyện tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại. Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 99,5%, cao hơn 1% so với đầu nhiệm kỳ và tăng đều ở các bậc mầm non, tiểu học, THCS.
![]() |
Dãy phòng học Trường Mầm non Ngọc Thiện số 2 mới được xây dựng. |
Hiện 100% trường học trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ trường đạt chuẩn mức độ 2 là 21,1%. Có được kết quả đó, huyện chủ động xây dựng kế hoạch và vận động xã hội hóa. Công tác đầu tư xây mới, sửa chữa được ưu tiên cho các xã, thị trấn khu vực trung tâm, quá tải học sinh; địa bàn khó khăn, có công trình xây dựng lâu năm, không phù hợp với mô hình giáo dục hiện đại.
Ông Thân Tuấn Anh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện cho biết: “Từ giữa năm học, các nhà trường sẽ rà soát, đánh giá cơ sở vật chất để xây dựng kế hoạch cho năm học sau và lộ trình 5 năm tiếp theo. Sắp xếp những hạng mục trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia để đề xuất ưu tiên bố trí nguồn lực”.
Để tạo sự đồng thuận về chủ trương xã hội hóa xây dựng trường, lớp học, những năm gần đây, Phòng tham mưu với UBND huyện tổ chức hội nghị tiếp xúc với đại diện cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn, cha mẹ học sinh và nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, lãnh đạo huyện nắm bắt sâu sát thực trạng, kịp thời có quyết sách phù hợp.
Huyện mời gọi các tổ chức, cá nhân, người Tân Yên đang công tác ở mọi miền đất nước hướng về quê hương đầu tư kinh phí xây dựng. Với cách làm như vậy, hai năm học vừa qua, toàn huyện đã huy động được hơn 600 tỷ đồng từ ngân sách và xã hội hóa xây mới, tu sửa công trình lớp học, nhà đa năng, phòng hiệu bộ, bếp ăn, công trình phụ trợ.
Dù đang là kỳ nghỉ hè song những ngày qua, giáo viên Trường Mầm non Ngọc Thiện số 2 vẫn đến trường để giám sát việc thi công một số hạng mục xây dựng. Cô giáo Vũ Thị Thắm, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết: “Cơ sở vật chất cũ, bếp ăn chật hẹp, phòng học thiếu. Năm học này, UBND xã đầu tư 11 tỷ đồng để xây mới 4 phòng học, 4 phòng chức năng, một phòng bảo vệ và một bếp ăn. Hiện đang hoàn thiện những khâu cuối, phấn đấu bàn giao trong tháng 8/2023”.
Công trình sau khi hoàn thiện sẽ đáp ứng nhu cầu dạy và học cho hơn 500 học sinh; giảm 2 lớp học tại điểm lẻ. Đây là tiêu chí quan trọng để trường xây dựng chuẩn quốc gia mức độ 2 vào cuối năm 2023. Tại Trường Mầm non Ngọc Thiện số 2 có nhiều công trình ghi dấu ấn của phụ huynh học sinh. Đặc thù bà con chủ yếu làm nông nghiệp, nguồn kinh phí huy động không lớn song bù lại cha mẹ sẵn sàng bỏ ngày công chung tay xây dựng một số hạng mục như: Khu tiểu cảnh vườn cổ tích, khu vui chơi an toàn giao thông...
Thêm nhiều trường, lớp mới
Cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục ngày càng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, khang trang góp phần nâng chất lượng dạy và học. Năm học 2022 - 2023, huyện xếp thứ hai toàn tỉnh về số lượng và chất lượng giải học sinh giỏi cấp tỉnh.
Huyện tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới trường, lớp, bảo đảm quỹ đất cho xây trường học. Dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn của địa phương, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ T.Ư và xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung các thiết bị hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển lĩnh vực GD&ĐT. |
Trường THCS Đại Hóa vừa hoàn thành dãy phòng học 3 tầng mới. Thầy giáo Phạm Văn Khương, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: "Trải qua nhiều năm hoạt động, cơ sở vật chất trường lớp cũ xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được yêu cầu. Từ các nguồn lực, huyện đã đầu tư 15,7 tỷ đồng xây dựng đồng bộ một dãy nhà 3 tầng gồm 18 phòng học, 3 phòng chờ, 6 nhà vệ sinh.
Ngoài ra, nhà trường cũng được ngân sách hỗ trợ sửa chữa, cải tạo sân, tường rào, nhà để xe, sơn lại toàn bộ các phòng học cũ. Trường, lớp khang trang tạo động lực cho thầy trò bước vào năm học mới phấn đấu đạt nhiều thành tích.
Từ nguồn tài trợ của các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đầu năm học 2022 - 2023, Trường THCS Cao Xá đưa vào sử dụng ngôi trường mới có đầy đủ hạng mục đồng bộ, hiện đại với tổng mức đầu tư 77 tỷ đồng. Cũng từ nguồn vận động xã hội hóa, hiện Tân Yên đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trường THCS thị trấn Cao Thượng gồm các hạng mục: Khối nhà lớp học, khu chức năng, phòng hiệu bộ, nhà xe, nhà đa năng, bể bơi với tổng mức đầu tư khoảng 140 tỷ đồng.
Hơn 100 công nhân Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư xây dựng Thành Lợi đang làm việc, tiến hành chia ca, đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thiện, bàn giao công trình cuối tháng 8 năm nay. Theo ông Vũ Ngọc Vân, Chủ tịch UBND thị trấn Cao Thượng, cùng với xây dựng nhà lớp học và các phòng chức năng, thị trấn Cao Thượng cũng dành kinh phí đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ khác như: Cổng, sân, tường bao xung quanh...
Hiện nay Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2021 của Bộ GD&ĐT quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có một số tiêu chí cao hơn so với quy định trước. Thêm nữa, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cũng đòi hỏi địa phương cần bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Phòng GD&ĐT tiếp tục tham mưu UBND huyện bố trí kinh phí đầu tư công tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học. Cùng đó, chủ động bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới, rà soát, dự báo mức gia tăng quy mô học sinh tiểu học, THCS trong những năm tiếp theo để có kế hoạch đầu tư phù hợp.
Ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới trường, lớp, bảo đảm quỹ đất cho xây trường học. Dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn của địa phương, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ T.Ư và xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung các thiết bị hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển lĩnh vực GD&ĐT.
Để bảo đảm an toàn tại các công trình, ban giám hiệu phối hợp với ban công tác mặt trận và các đoàn thể địa phương giám sát, đôn đốc đơn vị thi công bảo đảm chất lượng và bàn giao công trình đúng hạn; khai thác và quản lý tốt những cơ sở mới được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ hiệu quả cho hoạt động dạy và học.
Các nhà trường linh hoạt trong huy động nguồn lực xã hội hóa giáo dục; chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, hỗ trợ ngày công lao động trong xây dựng, cải tạo, mở rộng khuôn viên, tạo cảnh quan, môi trường học tập tốt cho con em địa phương.
Bài, ảnh: Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)