Xây dựng trường học an toàn
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng
Mới vào năm học được 2 tháng nhưng nhiều vụ tai nạn thương tích đã cướp đi sinh mạng của 8 học sinh. Mới đây, em Nguyễn Tuấn Đ (SN 2015), học sinh lớp 2A, Trường Tiểu học Liên Chung (Tân Yên) chơi đùa cùng bạn ở sân trường đã tử vong do bị ghế đá đổ vào người.
![]() |
Học sinh tỉnh Bắc Giang tham gia giải "Đường bơi xanh" năm 2022. |
Đây không phải lần đầu xảy ra tai nạn thương tích nghiêm trọng với học sinh ở trường học. Cách đây ba năm, một học sinh Trường THCS Hùng Sơn (Hiệp Hòa) ngã từ tầng 2 xuống sân trường tử vong sau vài ngày điều trị. Nguyên nhân do em trèo ra ban công lấy dép cho bạn.
Ngoài vụ việc xảy ra trong học đường, nhiều yếu tố mất an toàn xảy ra trong quá trình các em di chuyển từ nhà đến trường. Giữa tháng 10/2022, trên đường đi học về nhà ở xã Xuân Hương, một học sinh lớp 11, Trường THPT Lạng Giang số 1 đã va chạm với ô tô.
Sau khi được đưa vào Trung tâm Y tế huyện, em đã tử vong. Trước những vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, UBND TP Bắc Giang quán triệt không giao xe máy, xe máy điện cho người dưới 16 tuổi điều khiển. Công an TP Bắc Giang đang ra quân kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm dọc các tuyến đường trọng điểm, khu vực có nhiều trường học.
Ngày 29/10, trên đường đi học về, em D.H.D (SN 2005), học sinh Trường THPT Phương Sơn (Lục Nam) cho bạn cùng lớp là V.T.O đi nhờ xe về nhà. Đến đoạn đường qua tổ dân phố Phương Lạn 3, thị trấn Phương Sơn, hai em đã bị Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện chặn xe, dùng tay chân, mũ bảo hiểm đánh vào vùng bụng, đầu và mặt của H.
Đối tượng Hùng còn dùng dao gấp đâm vào bắp tay khiến H bị thương phải đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (hiện đã ra viện về nhà). Nguyên nhân ban đầu được lực lượng chức năng xác định do Nguyễn Văn Hùng (được cho là bạn trai của V.T.O) ghen tuông, hiểu lầm D.H.D có tình cảm với V.T.O.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ việc liên quan đến tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại. Cha mẹ, thầy cô giáo bất cẩn trong việc chăm sóc, dạy bảo con em. Môi trường sống, học tập chưa bảo đảm an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường như: Phòng học, trần nhà, tường bao, khu vui chơi, lan can, cầu thang, ổ điện... xuống cấp hay thiết kế thiếu hợp lý, không được quan tâm sửa chữa, thay thế; hồ đập sâu chưa được cảnh báo kịp thời.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 34 vụ tai nạn, bạo hành, xâm hại làm 30 em tử vong, 7 em bị thương tích. Trong đó chủ yếu ở lứa tuổi đến trường (từ 3-16 tuổi). |
Nhiều em hiếu động, không ý thức được mức độ nguy hại, chưa có kỹ năng ứng phó, chơi đùa ở những khu vực nguy hiểm, trong khi phụ huynh chủ quan buông lỏng quản lý con em.
Ở các vùng nông thôn, miền núi đang thiếu sân chơi, việc tổ chức giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức.
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 34 vụ tai nạn, bạo hành, xâm hại làm 30 em tử vong, 7 em bị thương tích, trong đó chủ yếu ở lứa tuổi đến trường (từ 3-16 tuổi).
Giáo dục kỹ năng ứng phó
Qua rà soát, toàn tỉnh còn 59 phòng học tạm, 28% bếp ăn, nhà vệ sinh trong trường học chưa đạt chuẩn. Nhằm xây dựng môi trường học đường an toàn, ngành Giáo dục yêu cầu thường xuyên kiểm tra, tu sửa các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học.
Các trường phải quan tâm bảo đảm an toàn tối đa cho học sinh từ nhà đến trường, an toàn trong các hoạt động cộng đồng. Rà soát công trình, cây xanh trong nhà trường, khắc phục ngay những điểm có nguy cơ gây tai nạn.
Trong tiết học trải nghiệm, ngoại khóa chú trọng giảng dạy kỹ năng sinh tồn, phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh. Phụ huynh cũng cần trang bị kiến thức, dạy bảo con tiếp cận trò chơi an toàn, tự tìm lối thoát để ứng phó với những tình huống bất lợi.
Cô giáo Nguyễn Phương Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Lục Nam cho biết: “Nhà trường luôn hướng dẫn học sinh kỹ năng xử lý khi gặp tình huống khó, chủ động ngăn chặn nguy cơ xảy ra vụ việc ngoài ý muốn. Mới đây, do đang khởi công tòa nhà mới với nhiều vật liệu tập kết tại sân trường, nhà trường yêu cầu đơn vị thi công quây tôn bao quanh khu vực xây dựng, gắn biển cảnh báo và nghiêm cấm học sinh đến gần”.
Chủ động ngăn ngừa sự cố, một số trường có cây to trong sân trường như: Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang), THPT Việt Yên số 1, THPT Yên Dũng số 2, THPT Tân Yên số 1 đã khám cây, cắt tỉa cành. Nhiều trường đón trả học sinh bằng ô tô như: Tiểu học Tân Dĩnh, Xuân Hương (Lạng Giang), Tiểu học Lan Mẫu, Bắc Lũng (Lục Nam) đã hướng dẫn học sinh cách thắt dây an toàn, ngồi đúng tư thế khi xe di chuyển, tự mở cửa xe trong lúc không may bị khóa trong.
Nhiều năm nay, tất cả các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Lục Nam đều tổ chức dạy bơi miễn phí cho học trò. Trong giờ ngoại khóa, giáo viên trực tiếp giảng dạy các chuyên đề về kỹ năng phòng đuối nước. Đến nay, toàn huyện có hơn 60% học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 biết bơi.
Em Nguyễn Thái Thuận, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Trần Phú (TP Bắc Giang) nói: “Cô giáo chủ nhiệm luôn nhắc nhở chúng em cẩn trọng với các khu vực nguy hiểm. Trong giờ sinh hoạt, cô đưa ra các tình huống bất ngờ liên quan đến cháy nổ, hỏa hoạn, bão lũ, bị bắt cóc, xâm hại, bạo lực để các bạn cùng đưa ra biện pháp thoát hiểm”.
Trước mối nguy hiểm đe dọa tính mạng học sinh, UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu Sở GD&ĐT, UBND huyện, TP chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường bảo đảm an toàn trường học, an ninh trật tự, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước.
Trong đó yêu cầu rà soát, kiểm tra, tu sửa các hạng mục công trình do nhà trường quản lý có nguy cơ cao mất an toàn. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và gia đình học sinh trong công tác bảo đảm an toàn trường học, an ninh trật tự, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước.
Theo bà Đào Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Giải pháp được ngành Giáo dục đưa ra là ngoài tuyên truyền, giáo dục theo phong trào cần chú trọng hoạt động có tính thực hành, trải nghiệm, hướng dẫn các em kỹ năng sinh tồn, hình thành ý thức chủ động phòng tránh tại nơi nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn; yêu cầu các em tuân thủ nghiêm Luật Giao thông đường bộ, không tự ý rủ nhau đi bơi khi không có người lớn đi cùng.
Mỗi học sinh rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn, nhanh nhạy tìm kiếm sự hỗ trợ, biết yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ bạn bè. Các nhà trường thực hiện tốt tiêu chí trường học an toàn, phòng ngừa tai nạn thương tích theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Bài, ảnh: Duy Minh
Ý kiến bạn đọc (0)