Tận tụy vì sức khỏe nhân dân
Khó khăn nào cũng vượt qua
16 năm qua, chị Hoàng Thị Hành, thôn Dần, xã Hữu Sản (Sơn Động) tham gia công tác y tế thôn bản. Thôn có 197 hộ với gần 900 khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%, đời sống còn nhiều khó khăn. Những công việc định kỳ như quản lý dân số, thông báo cho phụ nữ có thai, trẻ em đến lịch đi tiêm chủng hay mỗi khi có việc đột xuất là chị lập tức lên đường làm nhiệm vụ bất kể sớm tối. Từ cuối tháng 1 đến nay, thôn xuất hiện F0 cũng là thời gian triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc- xin thần tốc.
![]() |
Chị Hoàng Thị Hành tuyên truyền nhân dân nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe. |
Sau khi rà soát, lập danh sách những người đủ điều kiện sức khỏe nhưng chưa tiêm, chị Hành đến từng nhà vận động mọi người tiêm vắc - xin sớm để tăng sức đề kháng phòng dịch Covid-19. Nhiều lần chị còn trực tiếp chở người dân có hoàn cảnh khó khăn đến Trạm Y tế xã để tiêm chủng.
“Mỗi tháng, tôi nhận được khoản phụ cấp 596 nghìn đồng, tính ra không đủ chi phí xăng xe, điện thoại nhưng tôi không ngại khó khăn, cũng chẳng so đo. Mừng nhất là sau những ngày nỗ lực đi từng nhà tuyên truyền, vận động, đến nay, gần 500 người dân từ 18 tuổi trở lên của thôn đã tiêm mũi 3, đạt 99,2%”, chị Hành nói.
Ở các xã Hương Vĩ, Đồng Kỳ, thị trấn Bố Hạ (Yên Thế), dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ca bệnh tăng nhanh khiến đội ngũ nhân viên y tế làm việc không ngừng nghỉ. Dịch ở cả 11 thôn của xã Hương Vĩ, trong đó các thôn Rừng, Vàng xa trung tâm đi lại khó khăn nên cán bộ rất vất vả quản lý, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Ngoài chống dịch, Trạm vẫn duy trì nhiệm vụ thường xuyên quản lý, cấp thuốc điều trị định kỳ hằng tháng cho hơn 100 bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường, hen phế quản.
Bác sĩ đa khoa Nguyễn Thị Hà, Trạm trưởng cho hay: “Trạm có 7 người thì từ ngày 22/2 một nữ hộ sinh bị nhiễm Covid-19; hầu hết đều nhà xa, cách Trạm từ 4 km đến gần 10 km. Chúng tôi gần như không có ngày nghỉ”. Để bảo đảm hậu cần cho cán bộ có sức khỏe làm nhiệm vụ bất kể ngày đêm, trạm tự bố trí bếp "dã chiến". Dù bận rộn nhưng khi người dân gọi điện đến nhờ tư vấn, các y bác sĩ vẫn từ tốn giải thích, nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ để họ biết cách chăm sóc sức khỏe, mau khỏi bệnh.
Ngành Y tế hiện có hơn 5,6 nghìn cán bộ, nhân viên; tỷ lệ nữ chiếm 65%. Hai năm qua, Sở Y tế đã huy động đội ngũ toàn ngành tham gia công tác chống dịch. Vì nhiệm vụ cần kíp, nhiều nhân viên y tế phải gác việc riêng, con nhỏ, bố mẹ đau ốm đành phải nhờ người thân hỗ trợ mà không về nhà chăm sóc để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm cho người thân.
Như trường hợp anh Hoàng Văn Tuấn, nhà ở xã An Bá, nhân viên Trạm Y tế thị trấn An Châu suốt từ đợt dịch tháng 5 đến nay thường xuyên làm nhiệm vụ tại các khu cách ly, cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 của huyện. Vợ anh Tuấn là công nhân, hai con đang tuổi ăn học, mọi công việc lớn nhỏ ở nhà phải trông cậy cha mẹ đã 90 tuổi.
Không ngừng đổi mới, chăm lo đội ngũ
Những năm gần đây, nhiều chủ trương, chính sách phát triển y tế vùng dân tộc, miền núi của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho đội ngũ y tế tuyến huyện, xã, thôn, bản nâng cao năng lực, trình độ, phát huy hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
![]() |
Y sĩ đa khoa Phạm Lệ Hằng, Trạm Y tế thị trấn An Châu (Sơn Động) tiêm vắc-xin cho học sinh. |
Ông Đặng Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Thế cho biết, dù ảnh hưởng của dịch bệnh song trong năm 2021, đơn vị đã cử 77 lượt cán bộ, nhân viên tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ thực hành kỹ thuật chuyên sâu như: Kiểm soát nhiễm khuẩn, nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực trong điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, chẩn đoán hình ảnh, chuyên khoa nhi.
Tại huyện Sơn Động, Trung tâm Y tế huyện cũng thành lập các tổ hỗ trợ, hướng dẫn người bệnh trong quá trình làm thủ tục ra, vào viện và thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh. Ứng dụng công nghệ thông tin nên công tác lưu trữ hồ sơ bệnh án và thủ tục hành chính cho bệnh nhân giải quyết nhanh gọn hơn trước.
Nhiều trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã được sửa chữa, nâng cấp mở rộng khu khám bệnh. Trong công tác điều trị, Trung tâm Y tế các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế, Lục Nam triển khai thành công đơn vị chạy thận nhân tạo góp phần giảm chuyển tuyến, thuận lợi cho người bệnh.
Năm 2021, ngành Y tế đã triển khai thành công hơn 200 kỹ thuật mới, 300 sáng kiến được cấp có thẩm quyền công nhận. Khoảng 4 nghìn cán bộ, nhân viên được tặng Bằng khen, Giấy khen, Kỷ niệm chương của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Y tế do có thành tích trong chuyên môn và công tác chống dịch. |
Theo ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế, năm 2021, ngành Y tế đã triển khai thành công hơn 200 kỹ thuật mới, 300 sáng kiến được cấp có thẩm quyền công nhận.
Khoảng 4 nghìn cán bộ, nhân viên được tặng Bằng khen, Giấy khen, Kỷ niệm chương của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Y tế do có thành tích trong chuyên môn và công tác chống dịch.
Trong số này có nhiều cán bộ, nhân viên y tế ở miền núi, vùng cao. Những con số đó khẳng định đóng góp to lớn của đội ngũ y tế với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Điển hình như điều dưỡng Ngọc Thái Học, dân tộc Tày, Trạm Y tế thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) viết đơn tình nguyện ở lại TP Hồ Chí Minh tiếp tục tham gia chống dịch vào tháng 8/2021. Trước đó, anh từng tham gia làm việc tại Trung tâm ICU (Bệnh viện Phổi Bắc Giang) hơn 40 ngày.
Hay như điều dưỡng trưởng Vũ Văn Ninh, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trung tâm Y tế huyện Lục Nam tình nguyện hiến 350 ml máu kịp thời cấp cứu bệnh nhân. Dẫu bao gian khổ nhưng anh Học, anh Ninh cùng hàng nghìn y, bác sĩ vẫn yêu nghề, tự hào là chiến sĩ áo trắng.
Để giúp đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế miền núi, vùng khó khăn phát huy hơn nữa năng lực, hiệu quả công việc, lãnh đạo Sở Y tế cho biết sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh bổ sung chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân lực về cơ sở; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật mới về trạm y tế các xã, thị trấn; chăm lo cải thiện đời sống đội ngũ .
![]() |
Bài, ảnh: Mai Toan - Xuân Thỏa
Ý kiến bạn đọc (0)