Tác nghiệp ở Trường Sa
Lấy tàu làm nhà
Trước khi lên tàu tham gia chuyến hải trình dài ngày vượt đại dương để đến với quần đảo Trường Sa, tôi và các đồng nghiệp đều có ý thức chuẩn bị kỹ về trang thiết bị tác nghiệp, trong đó quan trọng nhất là máy ảnh, máy tính và máy quay phim.
![]() |
Các phóng viên tác nghiệp trên đảo Nam Yết, thuộc quần đảo Trường Sa. |
Thế Anh, một phóng viên trẻ ở cơ quan báo tỉnh phía Tây Bắc tâm sự: “Mấy anh chị ở cơ quan bảo đi biển đảo không nên mang máy ảnh, bởi dễ bị hư hỏng do tiếp xúc với nước biển có nhiều muối. Bây giờ xuống tàu, thấy mọi người đều mang theo, có anh chị còn mang tới hai máy ảnh…”.
Con tàu chở chúng tôi là tàu chuyên chở quân, có tải trọng lớn, tuy nhiên khi ra khỏi vịnh, gặp sóng to, tàu rung lắc khiến mọi người bị say sóng. Do say sóng nên ai nấy đều nằm bẹp dí trong phòng, chỉ có một vài phóng viên nam, quê vùng biển quen với sóng gió rủ nhau lên boong tàu ngắm cảnh.
“Tàu sắp qua đảo Gạc Ma, Cô Lin, mọi người chú ý, chú ý”, tiếng loa truyền thanh treo trên vách phòng phát ra thông báo. Cả tàu như vỡ oà, các phóng viên nam, nữ đều vùng dậy, tay ôm máy ảnh, máy quay phim chạy lên boong. Có lẽ, vì “máu” nghề nghiệp, mọi mệt nhọc do say sóng đều tan biến.
Từ trên boong tàu, ai nấy đều đưa ống kính hướng về hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã bị nước ngoài chiếm giữ sau sự kiện Gạc Ma năm 1988. “Dưới đáy đại dương, bên rạn san hô này hiện vẫn còn những người lính hải quân anh dũng hy sinh. Họ mãi mãi không thể về được với đất liền”, một chiến sĩ trẻ mắt ngấn lệ nhìn về đảo Gạc Ma, nói với các phóng viên trên mạn tàu.
Trong chuyến ra quần đảo Trường Sa lần này, những người làm báo như chúng tôi thật may mắn được ở trên tàu cùng những người lính đảo, họ làm nhiệm vụ thay quân - người được trở về đất liền, người mới ra đảo công tác lần đầu. Vì thế, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, các phóng viên lại tìm đến những người lính hỏi chuyện, khai thác thông tin viết bài.
Đặc biệt, trong chuyến đi lần này, tàu còn có nhiệm vụ chở hàng hoá phục vụ cho quân và dân trên đảo đón Tết cổ truyền của dân tộc. Mỗi khi tàu neo đậu để chuyển đồ lên đảo cũng là lúc những nhà báo, phóng viên tác nghiệp sôi động nhất. Ai cũng hối hả bấm máy ghi lại những khoảnh khắc từng kiện hàng, thùng quà gửi từ đất liền đưa xuống ca nô để chuyển về đảo.
Việc tác nghiệp trên tàu khá khó khăn vì tàu rung lắc mạnh, các phóng viên vừa phải di chuyển cẩn thận, nếu không dễ bị ngã xuống biển, vừa phải cầm chắc máy ảnh, máy quay phim thì mới có khuôn hình đẹp. Mỗi khi tác nghiệp xong, mọi người nhanh chóng đóng máy, bọc kỹ vào túi nhằm tránh hơi nước muối từ biển xâm nhập làm hư hỏng.
“Vớt sóng” giữa trùng khơi
Do đặc thù các đảo thuộc quần đảo Trường Sa nằm cách nhau khá xa, thời gian di chuyển từ đảo này sang đảo khác cũng mất hàng ngày. Trong khi đó, nhiều đảo nhỏ, điều kiện ăn nghỉ khó khăn. Vì thế, nhà báo, phóng viên chủ yếu lên thăm đảo được thời gian ngắn, sau đó lại rút về tàu. Ban ngày, các phóng viên tranh thủ từng phút để thu thập thật nhiều thông tin trên đảo, tối về lại cặm cụi viết tin, đợi khi có mạng Internet, truyền hình ảnh về toà soạn.
Khác với trên đất liền, ở giữa đại dương, sóng điện thoại cũng như mạng Internet hoàn toàn không có; chỉ khi nào tàu đến gần đảo mới có mạng di động và Internet nhưng sóng cũng rất yếu. Hơn nữa, nhiều người cùng truy cập nên rất khó khăn khi tác nghiệp.
Để truyền một bức ảnh dung lượng thấp về tòa soạn, có khi phải đợi mấy tiếng đồng hồ. Trần Quyền, phóng viên Báo Thái Nguyên bày cách: “Muốn truyền tin, bài về tòa soạn được nhanh chỉ bằng cách đợi mọi người ngủ say, không ai truy cập vào mạng khi ấy mình mới làm”.
Và thế là cứ khoảng 12 giờ hằng đêm, mặc vội chiếc áo khoác cho khỏi lạnh, tôi và Trần Quyền lại rủ nhau lên boong tàu “vớt sóng” để gửi tin, bài, ảnh về tòa soạn. Ngồi trên boong tàu giữa đại dương, cách đất liền hàng trăm hải lý, khi tin bài đã được gửi về, chúng tôi ngắm sao, nghe tiếng sóng xô vào mạn tàu…
Để rồi sáng mai thức giấc, truy cập vào trang báo, thấy tin tức mình đưa đêm qua, nay đã truyền đi muôn nơi, trong lòng thấy vui vui, có thêm động lực tác nghiệp nơi đầu sóng, ngọn gió giữa trùng khơi, nơi những chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ý kiến bạn đọc (0)