Sớm khắc phục những "khoảng trống", phòng ngừa tai nạn đuối nước
Những cái chết thương tâm
Theo thống kê của cơ quan chức năng, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, có nhiều trường hợp may mắn thoát chết nhưng cấp cứu không kịp thời sẽ phải chịu di chứng nặng nề.
Trên địa bàn xã Nghĩa Phương (Lục Nam) chỉ trong 1 tuần đầu tháng 3/2020 (từ ngày 2 đến 8) xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 3 em nhỏ tử vong.
![]() |
Địa điểm xảy ra tai nạn đuối nước khiến 3 nạn nhân ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn) tử vong. |
Như trường hợp em Trương Văn T (SN 2010), nhà ở thôn Tè sang nhà bác ở thôn Trí Yên rồi cùng mấy anh em rủ nhau ra khu vườn chơi. Tại đây có một hào nước khá sâu do người dân đào để chứa nước tưới cho cây trồng. Trong lúc mải chơi, T trượt chân ngã và tử vong.
Ông Chu Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương cho biết: Gia đình cháu T rất nghèo, bố bị động kinh mới mất cách đây vài năm. Ngay sau vụ tai nạn xảy ra, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện và UBND xã đến thăm, động viên và hỗ trợ gia đình nhưng với người thân thì nỗi đau này không gì có thể bù đắp.
Trường hợp khác, hai học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Phương số 2, nhà ở thôn Mã Tẩy đi chơi rồi không may ngã xuống suối tử vong. Điều đáng buồn là trong hai nạn nhân có một em biết bơi.
Hơn chục ngày sau cái chết của hai cháu Nguyễn Hữu T (SN 2006) và Nguyễn Thị Phương T (SN 2010), người dân thôn Ngọc Trai, xã Việt Lập (Tân Yên) vẫn chưa hết bàng hoàng. Chiều ngày 30/4, hai anh em rủ nhau đi thả diều trên cánh đồng của thôn rồi không may bị rơi xuống ngòi cầu Quận. Cũng trong buổi chiều hôm đó, một học sinh lớp 12 của Trường THPT Lục Ngạn số 1 tử vong do đuối nước tại hồ Khuôn Thần, xã Kiên Lao.
Hiểm nguy luôn rình rập
![]() |
Giải bơi học sinh do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với một số đơn vị tổ chức năm 2019. |
Từ những vụ việc xảy ra từ đầu năm đến nay cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị đuối nước. Những tháng đầu năm là giai đoạn học sinh được nghỉ học để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên các em có nhiều thời gian rảnh rỗi. Trong khi đó nhiều gia đình thiếu quan tâm, giám sát để trẻ tự do vui chơi tại các khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ.
Quan sát tại một số công trình xây dựng, ao, đầm tại các huyện Việt Yên, Tân Yên, Sơn Động và TP Bắc Giang không có rào chắn, gắn biển cảnh báo, biển cấm hoặc có biển báo nhưng nhỏ, đặt lâu ngày dẫn đến mờ khiến người dân không chú ý. Trong thực tế từng xảy ra vụ tai nạn ở nơi mà người dân chủ quan, không ngờ đến như rãnh, mương, chum vại đựng nước của gia đình.
Không để việc đã rồi
Ông Đào Hồng Song, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được biết: 5 năm trở lại đây, mỗi năm, Sở đều tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng, chống đuối nước ở các huyện, TP. Qua đó phát hiện nhiều bất cập ở cấp xã như: Một số nơi chưa kiện toàn Ban điều hành hệ thống bảo vệ và chăm sóc trẻ em; không xây dựng kế hoạch giám sát tại cơ sở. Cá biệt, có địa phương còn chủ quan "mất bò mới lo làm chuồng", chỉ sau khi xảy ra các vụ tai nạn chết người mới tiến hành rà soát, cắm biển báo, biển cấm ở các khu vực nguy hiểm.
Được biết, ngày 8/12/2017, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 09/CT- UBND về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nội dung Chỉ thị nêu rõ những địa phương để xảy ra đuối nước ở trẻ em thì Chủ tịch UBND tỉnh sẽ có văn bản nhắc nhở, phê bình Chủ tịch UBND huyện, TP. Nếu để xảy ra vụ việc nghiêm trọng hoặc xảy ra liên tiếp nhiều vụ việc trong năm sẽ xem xét kỷ luật đối với Chủ tịch UBND huyện, TP, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn liên quan. Vì vậy cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương trong công tác phòng, chống, ngăn ngừa tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Thời gian qua, ngành giáo dục cùng một số địa phương nỗ lực thực hiện phổ cập bơi cho học sinh trong trường học nhưng hoạt động này hiện gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh hiện có gần 120 bể bơi trong trường học; tại cộng đồng có khoảng 70 bể bơi do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, khai thác và quản lý.
Hiện chỉ có huyện Lục Nam, Lục Ngạn xây dựng đề án, bố trí kinh phí dạy bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em; TP Bắc Giang đặt ra mục tiêu 100% học sinh tiểu học được học bơi, coi đây là một trong những tiêu chí để xét hoàn thành chương trình tiểu học đối với học sinh lớp 5. Còn lại một số địa phương khác vẫn chưa tích cực vào cuộc dẫn đến tồn tại "khoảng trống" trong công tác phòng, ngừa đuối nước.
![]() |
Các trường tiểu học trên địa bàn huyện Lục Nam tổ chức sát hạch kỹ năng bơi cho học sinh. |
Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Thực tế tại nhiều trường học vẫn còn thiếu giáo viên dạy bơi. Để giải quyết tình thế, phòng giáo dục và đào tạo các huyện bố trí điều động giáo viên dạy liên trường. Tuy vậy về lâu dài đề nghị tỉnh quan tâm tuyển dụng để bổ sung nhân lực làm việc ở vị trí này”.
Ngoài ra, kinh phí xây bể bơi cũng là vấn đề khó, do vậy thời gian tới, để ngăn chặn gia tăng đuối nước, người dân mong muốn chính quyền và ngành chức năng tăng cường huy động xã hội hóa đầu tư xây dựng bể bơi, tổ chức dạy bơi cho trẻ em. Đặc biệt, phụ huynh quan tâm, không để các em chơi một mình ở những khu vực có nguy cơ cao gây đuối nước; giáo dục kỹ năng để trẻ hiểu và nhận biết nguy hiểm, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Ý kiến bạn đọc (0)