Quy định rõ hơn về trách nhiệm của UBND các cấp trong xây dựng lực lượng dự bị động viên
Trước hết, tôi đồng tình và nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.
Tôi nhận thức rằng, việc xây dựng và ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên là cần thiết nhằm cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về quốc phòng, an ninh, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng dự bị động viên, đồng thời bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật đã ban hành như một số đại biểu nói, nhất là Luật Quốc phòng, an ninh vừa mới được thông qua để cụ thể hóa thêm. Đồng thời thống nhất với một số luật liên quan khác.
![]() |
Đại biểu Dương Đình Thông phát biểu tại hội trường. |
Bên cạnh đó, tôi xin tham gia một số nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, tại Điều 14 về tổ chức biên chế lực lượng dự bị động viên; trong đó tại khoản 2, đơn vị lực lượng dự bị động viên phải được duy trì đủ quân số, có số lượng dự phòng từ 10%-15%, dự trữ vũ khí, trang bị kỹ thuật theo phân cấp. Theo tôi, quy định như dự thảo là phù hợp và cần thiết bởi:
Sự kế thừa Điều 11, Pháp lệnh Lực lượng dự bị động viên năm 1996 và luật hóa tại Điều 10 của Nghị định số 39 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Pháp lệnh Lực lượng dự bị động viên, quy định quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên phải có tỷ lệ dự phòng thích hợp.
Trong điều kiện về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta biết rằng quân nhân dự bị cơ bản là lực lượng lao động chính trong các gia đình, có thể làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có cổ phần đầu tư ở nước ngoài, công ty cổ phần và các thành phần kinh tế khác mà không thể có mặt khi được huy động. Mặt khác, quân nhân dự bị nhiều trường hợp bị bệnh tật, ốm đau, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đặc biệt là những tình huống bất khả kháng không thể thực hiện huy động được.
Thực tiễn, qua thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên cho thấy việc quy định số lượng dự phòng đối với các đơn vị dự bị đồng viên để bảo đảm tính chủ động, tính kịp thời, gắn với nhiệm vụ khi có tình huống.
Do vậy, tỷ lệ từ 10%-15% quy định trong dự thảo bảo đảm tính khả thi, thể hiện tính thống nhất, tính cơ động, phù hợp với từng vùng, từng miền về nguồn dự bị động viên trong điều kiện tình hình hiện nay, qua đó kịp thời bổ sung số thiếu khi huy động vào các đơn vị dự bị động viên, được luân phiên huấn luyện theo chỉ tiêu hằng năm.
Để bảo đảm tốt về tỷ lệ dự phòng này trong triển khai tổ chức thực hiện, đề nghị trong các quy định cần làm tốt hơn công tác đăng ký quản lý, nhất là quy định rõ hơn về cụ thể trách nhiệm và chỉ đạo hướng dẫn, triển khai tổ chức thực hiện của UBND các cấp trong việc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ hai, khoản 1 Điều 22 quy định về thẩm quyền của UBND cấp huyện tổ chức sinh hoạt cho quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy từ tiểu đội trưởng và tương đương trở lên. Theo tôi, quy định này phù hợp bởi bảo đảm tính nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, chính quyền điều hành và cơ quan quân sự chủ trì phối hợp với các cơ quan ban ngành làm tham mưu triển khai tổ chức thực hiện.
Qua triển khai thực hiện những năm qua, các cấp không có gì vướng mắc nên việc UBND huyện tổ chức sinh hoạt có hiệu quả tốt, qua đó kịp thời thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh địa phương và nắm bắt được tâm tư tình cảm, nguyện vọng của anh em quân nhân dự bị, quân số, chất lượng dự bị động viên để có biện pháp giáo dục, quản lý, tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho quân nhân dự bị và có thể có kiến nghị đề xuất với các cấp thẩm quyền để xem xét liên quan đến các chế độ chính sách khi thực hiện huy động lực lượng dự bị động viên.
Để thực hiện tốt và hiệu quả những điều trên, cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp cùng các chế độ, chính sách và nội dung yêu cần cần đạt được khi sinh hoạt đối với lực lượng quân nhân dự bị.
Ý kiến bạn đọc (0)