Quốc hội triển khai chương trình giám sát năm 2024
![]() |
Các đại biểu dự tại điểm cầu Bắc Giang. |
Đồng chủ trì có các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
Dự tại điểm cầu Bắc Giang có các đại biểu Quốc hội (ĐBQH): Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành.
Với mục tiêu không ngừng đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát, coi đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2023 đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, bảo đảm tiến độ, hoàn thành toàn bộ các nội dung theo kế hoạch.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý và định hướng cho hoạt động giám sát của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới, kịp thời giải quyết các vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.
Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đã đạt hiệu quả, kết quả tích cực. Các đoàn giám sát đã tổ chức khảo sát, làm việc trực tiếp với 33 địa phương, Chính phủ, các bộ, ngành. Đặc biệt, lần đầu tiên, Quốc hội tiến hành giám sát đồng thời các chương trình mục tiêu quốc gia, qua đó thể hiện rõ quan điểm, sự nỗ lực, đồng hành của Quốc hội cùng với Chính phủ để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong việc triển khai thực hiện các chương trình.
Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm nghiêm túc, theo quy định của pháp luật. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh trung thực, khách quan thực tế trong việc đánh giá những người được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong công tác điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo những nhiệm vụ được giao…
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận hội nghị. |
Trên cơ sở kết quả đó, năm 2024, Quốc hội xác định mục tiêu giám sát phải được triển khai đồng bộ với quá trình triển khai xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật. Trong đó, về hoạt động giám sát chuyên đề, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề, gồm: Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển KT-XH và về một số dự án quan trọng của quốc gia. Quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, dự kiến tiến hành tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề: Về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại phiên họp tháng 8 và tháng 9/2024.
Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội tổ chức 2 phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8; nội dung chất vấn được lựa chọn trên cơ sở các nguồn thông tin lựa chọn nhóm vấn đề. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn tại phiên họp tháng 3 và tháng 8/2024, trong đó, tại phiên họp tháng 3 sẽ chất vấn các vấn đề “nóng”, nổi lên và tại phiên họp tháng 8 sẽ giám sát lại.
Đoàn ĐBQH tỉnh, TP và các đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát như giám sát chuyên đề việc thi hành pháp luật ở địa phương; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Hoạt động giám sát cần bảo đảm chất lượng, khả thi, hiệu quả, tránh hình thức, phù hợp với khả năng, nguồn lực, nhất là đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu nêu nhiều vấn đề về kết quả, bài học kinh nghiệm và những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Đồng thời đóng góp những nội dung đổi mới, các giải pháp triển khai hoạt động giám sát năm 2024.
Phát biểu kết luận, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH phát huy tinh thần chủ động trong hoạt động giám sát. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội và Kế hoạch số 370/KH-UBTVQH15 triển khai thực hiện Kết luận số 843.
Căn cứ chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và điều kiện, tình hình thực tế, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH chủ động xây dựng, triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định của pháp luật.
Các Đoàn ĐBQH bám sát kế hoạch của các đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ động phối hợp với HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề và gửi báo cáo kết quả theo yêu cầu của các Đoàn giám sát.
Đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ở T.Ư và địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH trong hoạt động giám sát. Cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát có trách nhiệm trực tiếp báo cáo, trình bày những vấn đề mà chủ thể giám sát yêu cầu; trường hợp không thể trực tiếp báo cáo, trình bày được thì ủy quyền cho cấp phó của mình theo quy định.
Các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc kết luận, kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Tập trung đổi mới, tiếp tục tạo chuyển biến về chất trong hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội. Chú trọng tăng cường giám sát của Đoàn ĐBQH gắn với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giám sát của ĐBQH.
Ý kiến bạn đọc (0)