Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi: Động lực xây dựng nông thôn mới
Năng động, dám nghĩ, dám làm
Trước đây, anh Nguyễn Hữu Quý (SN 1977) ở thôn Ngò 2, xã Đồng Kỳ phải xoay xở nhiều nghề từ làm ruộng rồi chuyển sang buôn rau, hoa quả nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Từ năm 2005 trở lại đây, anh đầu tư nuôi gà thương phẩm. Mỗi năm, anh nuôi khoảng 50 nghìn con (chủ yếu là gà lai chọi).
![]() |
Anh Nguyễn Hữu Quý (đứng giữa), thôn Ngò 2, xã Đồng Kỳ giới thiệu quy trình chăm sóc gà thương phẩm. |
Để đàn gà khỏe mạnh, anh Quý tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do xã, huyện tổ chức. Quy trình, kỹ thuật chăn nuôi được tuân thủ nghiêm ngặt, từ chọn con giống, thức ăn, nước uống, tiêm vắc-xin phòng bệnh. Chuồng trại có hệ thống phun sương bảo đảm thoáng mát về mùa hè, đèn sưởi đủ ấm vào mùa đông. Nhờ vậy, nhiều năm qua, trang trại chăn nuôi của anh luôn an toàn trước dịch bệnh.
Riêng năm 2022, anh Quý bán hơn 130 tấn gà thương phẩm. Tận dụng nguồn chất thải của gà, anh trồng hơn 8 ha bạch đàn giống mới sắp cho thu hoạch. Vài năm gần đây, mỗi năm từ chăn nuôi gà, anh thu lãi từ 2- 3 tỷ đồng.
Hiện anh Quý là tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi của thôn với 12 thành viên tham gia. Bản thân anh thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ hội viên kỹ thuật chăn nuôi. Nhiều năm, anh Quý được công nhận là hộ nông dân SXKD giỏi của huyện và tỉnh. Cuối năm 2022, anh là điển hình của huyện đi dự Hội nghị biểu dương "Nông dân SXKD giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017-2022".
Điển hình làm giàu nhờ trồng trọt là gia đình anh Hoàng Văn Thành ở bản Ven, xã Xuân Lương. Gia đình anh trước kia thuộc diện nghèo, năm 2009, anh bắt đầu thử trồng chè, đến nay anh có gần 1 ha. Mỗi năm gia đình anh thu hái khoảng 10 lứa, trừ chi phí lãi từ 300-350 triệu đồng. Mùa thu hoạch chè, có thời điểm gia đình thuê 5-6 nhân công thời vụ với giá 250-300 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài ra, anh còn trồng hơn 60 cây bưởi để tăng thu nhập. Nhiều năm, anh được công nhận hộ SXKD giỏi của huyện.
Tạo động lực thi đua
Xác định phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi là trọng tâm, các cấp Hội Nông dân huyện Yên Thế tích cực tuyên truyền, tổ chức cho hội viên đăng ký hộ SXKD giỏi các cấp theo tiêu chí; phối hợp chuyển giao kỹ thuật; chỉ đạo xây dựng mô hình trình diễn. Cùng đó, tổ chức hội thảo, hội nghị tổng kết đánh giá, nhân rộng những điển hình tiên tiến; tham quan học tập các mô hình hiệu quả để vận dụng vào SXKD tại địa phương. Nhờ đó, phong trào ngày càng lan tỏa rộng khắp trong nhiều lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, thúc đẩy phát triển KT-XH ở nông thôn, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua sản xuất, đồng thời tạo điều kiện để nông dân trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau làm giàu chính đáng.
5 năm qua, toàn huyện Yên Thế có hơn 35 nghìn hộ nông dân đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi 4 cấp (bình quân có hơn 7 nghìn hộ SXKD giỏi/năm), vượt từ 10-15% chỉ tiêu đề ra. |
5 năm qua, toàn huyện Yên Thế có hơn 35 nghìn hộ nông dân đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi 4 cấp (bình quân có hơn 7 nghìn hộ SXKD giỏi/năm), vượt từ 10-15% chỉ tiêu đề ra. Năm 2022, toàn huyện có hơn 7,1 nghìn hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp. Không ít hộ trước đây kinh tế khó khăn, nhờ năng động, dám nghĩ, dám làm, chịu khó học hỏi đã vươn lên trở thành những hộ khá giả.
Từ phong trào SXKD giỏi đã xuất hiện những mô hình liên kết, hợp tác điển hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi dê thương phẩm ở các xã Hồng Kỳ, Xuân Lương, Đồng Tiến; nuôi vịt, cá thương phẩm ở xã Tiến Thắng; nuôi hươu ở xã Đồng Hưu, Đông Sơn; trồng bưởi ở xã An Thượng, Đồng Lạc; trồng nhãn ở xã Đồng Kỳ; trồng chè tại xã Xuân Lương, Canh Nậu… Các mô hình cho thu nhập bình quân hàng năm từ 250 triệu - 1 tỷ đồng/năm, nhiều hộ đạt 2- 4 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ đã thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả SXKD.
Ông Nông Văn Tám, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Lương cho biết: Gần đây, mô hình nuôi dê, trồng chè của xã phát triển rất mạnh. Hiện tổng đàn dê của xã khoảng 8 nghìn con, nhiều hộ nuôi từ 300-500 con. Hội Nông dân xã tích cực tổ chức cuộc thi, tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế.
Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển KT-XH của huyện, xây dựng củng cố tổ chức hội vững mạnh. 5 năm qua, các cấp hội đã hỗ trợ gần 2,5 nghìn hội viên thoát nghèo. Hội Nông dân huyện Yên Thế được đánh giá là một trong những đơn vị điển hình thực hiện phong trào này của tỉnh.
Bà Lục Thị Lan, Chủ tịch Hội Nông dân huyện nói: Phong trào đã tạo động lực thúc đẩy hộ nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, tạo ra sản phẩm thế mạnh; sản xuất theo chuỗi. Cùng đó, đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, tạo sự đoàn kết, tương thân, tương ái giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
Bài, ảnh: Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)